Điều này không chỉ gây khó khăn cho một chủ trương lớn mà còn lãng phí nhiều nguồn lực khác, trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quá tải.

Bộ Xây dựng thông tin, Bộ đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch. Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ bao gồm 23 cơ quan (8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ). Nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan (các cơ quan này đã đề xuất xây dựng trụ sở mới tại khu vực quy hoạch xây dựng các trụ sở bộ, ngành).

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - một trong 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ. Ảnh: Laodong.vn 

Một thực trạng mà ai cũng thấy rõ, đó là nội đô Hà Nội đang quá tải về nhiều mặt. Với dân số đông trong khi cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, trường học (cấp phổ thông), bệnh viện... không đáp ứng kịp đang là một gánh nặng với thành phố và gây bức xúc cho xã hội. Chen lấn, chật chội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn... đang không chỉ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc mà còn hao tổn sức khỏe, gây tâm lý căng thẳng, bức xúc của người dân trong đời sống. Nhiều nét văn hóa của Thủ đô, văn hóa ứng xử của con người đã bị bào mòn, phá vỡ do những bức xúc, căng thẳng và sự lộn xộn, xô bồ của xã hội gây nên. Thực tế này là không thể phủ nhận.

Việc di dời các cơ sở ra khỏi nội đô là rất cần thiết và càng sớm càng tốt. Điều quan trọng nhất, cần có một sự quyết liệt từ Trung ương đến các bộ, ngành và TP Hà Nội. Các bộ, ngành cũng như thành phố phải thực sự chung tay tháo gỡ khó khăn, vì lợi ích, mục tiêu chung để giải quyết những vấn đề lớn đã được đặt ra như phương án di dời, vốn xây dựng, quỹ đất, hay kế hoạch sử dụng quỹ đất từ các cơ sở cũ đã và sẽ được di dời. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở còn đủng đỉnh giữa việc đi và ở; chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giải pháp vẫn nửa vời. Thậm chí vẫn có tình trạng một số cơ sở dù đã di dời nhưng vẫn “ôm” đất vàng tại trụ sở cũ hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại mà không bàn giao quỹ đất cho TP Hà Nội. Chính điều đó cũng khiến cho thành phố gặp khó khăn trong việc quy hoạch, bổ sung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc dùng đất tại trụ sở cũ để đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại không những sai về mục tiêu di dời mà lại tiếp tục phá vỡ quy hoạch của thành phố.

Nói như một đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận, không thể lý giải việc chậm trễ di dời các cơ sở này là do tính lịch sử, cái gì cũng cần thời gian, có đơn vị "im lặng là vàng", việc giữ đất là việc của cả làng chứ không riêng mình ai... Dư luận cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, mà trước tiên là trách nhiệm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vững vì lợi ích chung từ chính các cơ sở trong kế hoạch phải di dời. 

NGUYỄN HÀ MY