Đã từ lâu việc cỗ bàn hầu như chẳng còn là chuyện phải quá lo. Không những mâm bát đủ đầy theo truyền thống mà còn là những hương vị mới theo văn minh, sở thích thời cuộc. Tuy nhiên, nhìn lên mâm cúng của nhiều gia đình mới thấy nhiều thứ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chen vào. Vài hộp bánh, gói kẹo không nhãn mác. Mấy thứ trái cây và chai rượu “ngoại” đáng nghi. Đến cả thẻ hương cũng là thứ ngâm tẩm hóa chất tỏa ra thứ mùi nặng khét…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn internet 

Hiện thực hàng hóa kém chất lượng đổ về các vùng quê nghèo thấy rõ nhất chính là trong dịp Tết. Tấm áo, cái chăn, viên thuốc, chai mật ong biếu ông bà, bố mẹ ai kiểm định được nguồn gốc, thấy rẻ, thấy tiện là mua.

Tiếng là đi làm ăn xa nên về Tết không thể tay không. Ngoài chuyện quà cáp cho gia đình, người thân còn là chuyện phải đóng góp cho việc làng như làm đường, xây hay tu sửa đình, đền, nộp các quỹ khuyến học, khuyến nông, vệ sinh, trật tự… Tiếng là đi xa trở về không thể không mời họ hàng, bạn bè ăn Tết mà cũng không thể dễ dàng từ chối ngồi vào mâm cỗ mỗi gia đình đến thăm thú. Mà ngồi đâu cũng nâng ly cụng chén. Không phải kiểu nhâm nhi thưởng rượu ngày Xuân mà phải là uống cạn, uống hết mình, tới số. Cái nết ăn nhậu xô bồ nơi hè phố đã tràn về mọi miền quê. Đấy là một lý do lý giải vì sao dịp Tết, số vụ tai nạn giao thông ở các vùng nông thôn cao hơn hẳn so với đô thị. Và đấy cũng là nguyên nhân của các cuộc cãi vã từ chuyện không đâu trở thành chuyện mất cả tình nghĩa anh em họ hàng.

Ngoài bàn nhậu, người làm ăn nơi xa trở về còn dễ bị cuốn vào chiếu bạc. Không chỉ các làng có tiếng hay khá giả, tệ nạn đỏ đen giờ lan cả đến các làng nghèo. Ngày Tết, ngày hội làng ai nỡ cấm đoán, ngăn trở, mà với nhiều người thế mới là chơi Tết, vui Tết. Người ta nghĩ vậy và thực tế cũng diễn ra như vậy. Những đồng tiền cả năm lăn lưng lao động, tích cóp đổ vào sới bạc quả là xót xa, nhưng thú Tết quê theo phong trào ăn chơi là thế.

Kể ra những thứ không hay, những tệ Tết phổ biến như vậy để thấy việc răn dạy bảo ban nhau, việc tuyên truyền, nhắc nhở của gia đình, họ hàng và những người có trách nhiệm trong làng xã là cần thiết biết bao. Đồng thời, để cái Tết quê trở nên trong lành vui vẻ là biết bao việc phải lo, phải bàn. Vẫn thấy ở nhiều làng quê bây giờ vẫn giữ được nếp tổ chức văn nghệ đón Giao thừa, trai gái trẻ già, người đi xa trở về cùng người ở lại cùng xung phong bước lên sân khấu giao lưu, “hái hoa dân chủ”. Vẫn thấy sáng Mồng Một nhiều nơi tổ chức các đoàn thể đi chúc Tết, và sân đình, sân vận động vẫn diễn ra các trò chơi kéo co, đấu vật, thi đấu bóng chuyền, cầu lông, bóng đá. Trong nhà văn hóa, trong căn phòng ấm cúng nhiều gia đình vẫn tụ hội hát quanh màn hình karaoke… Và ở những làng xã ấy, vẫn có công an, dân quân, thanh niên đi tuần đêm đêm, nhắc nhở trật tự vệ sinh hằng ngày… Vì sao nhiều nơi làm được như vậy mà nhiều nơi khác thì không? Lại phải nhắc lại câu “cán bộ nào phong trào nấy”. Cán bộ chủ trì ở các thôn làng không coi chuyện ăn Tết, vui Tết, chơi Tết cho dân là việc thiết thực phải làm thì Tết làng mình nhạt đi, tình làng nghĩa xóm phai mờ mở ra cho những chuyện lộn xộn, chẳng lành diễn ra.

Cũng ở làng quê vốn có câu “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhiều nơi người ta ganh đua nhau cái hơn của làng mình là ngôi đình, ngôi chùa hay đền miếu to hơn, đông khách hương khói, góp tiền công đức hoặc làng mình giàu hơn, nhiều nhà cao tầng, nhiều ô tô, xe gắn máy, nhiều người phát đạt, làm to… Nhưng sự sang trọng đâu chỉ từ những điều ấy, điều cần thiết là sự gắn kết cộng đồng để quanh năm nhà nhà yên ấm, để sau một năm cả làng thật sự “vui như Tết”.

ANH NGUYỄN