Câu chuyện về khoản nợ thẻ thanh toán từ 8 triệu đồng thành 8 tỷ đồng của một khách hàng ở Việt Nam là một câu chuyện hy hữu, cần được làm rõ thêm về cách tính khoản nợ và các vấn đề liên quan. Sau câu chuyện này, nhiều người trở nên ác cảm với thẻ thanh toán và cho rằng đây là một thứ mang lại nguy cơ nợ nần chồng chất.

Tuy nhiên, thẻ thanh toán-tiêu trước, trả sau-là một sản phẩm tài chính cần thiết và phổ biến trên thế giới. Nó là hiện thân của triết lý thanh toán không dùng tiền mặt, kích thích sự luân chuyển dòng tiền, kích thích tiêu dùng, có lợi cho sự vận hành của nền kinh tế.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Vnexpress 

Nhưng rõ ràng, cái gì cũng có tính hai mặt, bên cạnh mặt có lợi, bao giờ cũng có mặt hạn chế và rủi ro. Thẻ thanh toán không phải sản phẩm phù hợp cho mọi người. Rủi ro từ thẻ thanh toán trở nên rõ ràng với những người chi tiêu thiếu hiểu biết và thiếu kiểm soát.

Có không ít người mở thẻ thanh toán từ những lời mời chào mùi mẫn của nhân viên ngân hàng mà thiếu sự tìm hiểu, truy vấn thông tin để nắm rõ về sản phẩm tài chính này. Thế rồi tới nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị cứ rút thẻ ra quẹt thoải mái để thanh toán, không lường hết được dòng tiền vào, tiền ra, thu nhập của mình, không dự phòng rủi ro, không hiểu hết về cách tính lãi, khoản phạt trả chậm của ngân hàng đối với chủ thẻ thanh toán... từ đó, nợ nần chồng chất lúc nào không hay.  

Xã hội Việt Nam thời gian qua nhức nhối với bao bi kịch từ việc mắc nợ tín dụng đen. Nhiều người vì nợ nần các tổ chức cho vay trái pháp luật, lãi mẹ đẻ lãi con mà mất việc làm, mất nhà cửa, tan vỡ gia đình, lâm vào cảnh cùng quẫn. Không ít người mắc nợ chỉ vì khởi điểm là những khoản tiêu dùng đơn giản như mua chiếc điện thoại mới, mua cái xe máy, ô tô theo sở thích, hoặc là những buổi liên hoan chiêu đãi bạn bè mà chưa có tiền thanh toán ngay, ghi sổ nợ nhà hàng...

Có chuyên gia tài chính từng nhận xét với tôi rằng, người Việt Nam ta chưa được quan tâm hướng dẫn, dạy cách quản lý tài chính thông minh. Khi còn nhỏ, trẻ em thường không được cha mẹ cho tiếp xúc với tiền sớm, được sống trong sự bao bọc, vì ai cũng sợ con có tiền sẽ mua bán linh tinh, sinh hư người. Ở nhà trường thì chủ yếu chỉ dạy Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa lý, Ngoại ngữ... chứ chưa thấy nhà trường dạy cách quản lý tiền, chi tiêu tài chính. Vì thế, khi lớn lên, phải làm chủ gia đình, nhiều người lúng túng với tiền, chi tiêu không hợp lý. Điều này lại càng trở nên nguy hiểm hơn với những người giàu lên nhanh chóng từ cơ may của cuộc sống, như được thừa kế tài sản của người đi trước để lại, làm chủ những tài khoản lớn, có nhiều tiền mà không biết cách tiêu đúng đắn nên sau đó tán gia bại sản.

Vấn đề rất cần hiện nay là phải quan tâm dạy cách quản lý tài chính, đặc biệt là cần đưa vào trong trường học, có thể dưới dạng những buổi sinh hoạt, dạy kỹ năng sống. Một nền kinh tế càng phát triển thì càng cần mỗi người dân hiểu và biết cách quản lý tài chính, có cách chi tiêu đúng đắn, bền vững, từ đó sẽ giúp cả nền kinh tế và xã hội bền vững, tránh những rủi ro.

HỒ QUANG PHƯƠNG    

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.