Anh đã xây nên giấc mơ của nhiều người nghèo khi từ tay trắng đi lên và hiện là một trong những vlogger (người tạo ra các video mang tính sáng tạo rồi đăng lên mạng xã hội và có một cộng đồng người theo dõi) có thu nhập rất cao. Thuở ban đầu, các video clip của Lâm Vlog có nội dung về các trò chơi ngày bé với phương tiện quay đơn giản. Có thể nói rằng, công nghệ internet, chiếc điện thoại thông minh đã góp phần giúp thay đổi cuộc đời của vlogger này.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa:  xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Để mang công nghệ đến với nhiều người nghèo, đầu tháng 12 tới, thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh. Tin vui này được xã hội đón nhận bởi tính nhân văn của chính sách, mang lại sự kết nối cho mọi hộ gia đình trên khắp đất nước. Nhiều người còn tin rằng, đây sẽ là “cần câu” giúp người nghèo tiếp cận thông tin, tri thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật để cuộc sống bớt phần vất vả và một hy vọng "đổi đời" như Lâm Vlog cùng nhiều người khác đã làm được.

 Hãy đặt vấn đề, so với người giàu, người nghèo rốt cuộc thiếu gì? Họ thiếu tiền, nhưng thực ra nếu có nhiều tiền hỗ trợ người nghèo, liệu họ sẽ sử dụng hiệu quả, sinh lời từ số tiền hỗ trợ đó không? Chúng ta đã chứng kiến không ít người nghèo trúng số độc đắc hay bán đất, có một số tiền lớn nhưng rồi chính họ cũng không biết cách làm cho đồng tiền "sinh sôi nảy nở". Thậm chí có những gia đình vì đồng tiền "trời cho" mà nảy sinh tranh giành, mâu thuẫn, con cái ăn chơi đua đòi rồi hư hỏng. Thiếu thông tin, người nghèo chỉ có thể thoát đói chứ khó thoát nghèo. Nhưng với chiếc điện thoại thông minh, nếu biết sử dụng đúng mục đích, người nghèo có thể học được rất nhiều điều bổ ích từ thiết bị công nghệ này. Mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đều chỉ là hữu hạn, chỉ có phẩm chất, kỹ năng, tri thức của con người là vô hạn và chiếc điện thoại thông minh với khả năng truy cập internet sẽ tạo ra cơ hội bình đẳng cho người nghèo học tập, vượt khó, thoát nghèo một cách thuận lợi hơn.

Tuy vậy, việc hỗ trợ điện thoại thông minh cần làm sao để đưa được đến đúng đối tượng, để việc làm này thực sự hữu ích. Quan trọng hơn, khi cho “cần câu”, người nghèo còn cần chỉ dẫn cả "cách câu". Điện thoại thông minh, internet, mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Trên kho dữ liệu ảo có nhiều nội dung hữu ích, tốt đẹp, nhưng cũng không thiếu những thứ vô thưởng vô phạt, thậm chí dung tục, phản cảm, độc hại. Vì thế, cùng với việc hướng dẫn cho người nghèo cách sử dụng điện thoại, rất cần định hướng cho họ cả cách tiếp cận, làm chủ thông tin bổ ích. Việc làm này đòi hỏi phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sáng tạo nội dung, phần mềm để chỉ bằng những thao tác đơn giản nhất, bất cứ người nghèo nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết với cách trình bày dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ vận dụng nhất.

Khi được hỗ trợ điện thoại thông minh, một cơ hội mới, vận hội mới sẽ mở ra trước mắt người nghèo. Thế nhưng, để sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ này, bản thân mỗi người nghèo cũng phải có ý thức tự vươn lên, chăm chỉ, chịu khó tiếp cận, học hỏi, làm giàu tri thức từ các kho dữ liệu cung cấp, hướng dẫn cách vượt khó, thoát nghèo. Nếu còn tư tưởng ỷ lại hoặc không phát huy lợi thế từ chiếc điện thoại thông minh, người nghèo sẽ lại tự mình để vuột khỏi tầm tay cơ hội "đổi đời" cho bản thân và gia đình. 

HIỀN VINH