QĐND - Cũng như nhiều nơi ở Hà Nội, phường chúng tôi có đến mấy vạn nhân khẩu nhưng không có chợ. Mươi năm nay chợ cóc xuất hiện khi bên hè phố lớn, khi trong những ngóc ngách ngõ hẻm. Mấy năm kinh tế khó khăn, gần đây chợ cóc càng xuất hiện nhiều hơn, vài trăm mét lại thấy cảnh bán mua. Chợ cóc lộn xộn, nhếch nhác, cản trở giao thông, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, mất chỗ tập thể dục, chỗ chơi của người lớn, trẻ em...
Chính quyền phường hầu như năm nào cũng có đợt dẹp chợ cóc. Thế nhưng đúng là “bắt cóc bỏ đĩa”, phường cứ dẹp, chợ cóc cứ mọc ra. Để cho thực sự dân chủ, phường tập hợp ý kiến người dân về việc dẹp hay để tồn tại, tồn tại theo phương thức có đăng ký, có tổ chức, quản lý, bảo đảm hạ tầng nhất định. Kết quả cuộc thăm dò là 5/5.
 |
Chợ cóc lấn chiếm vỉa hè. Ảnh minh họa: Báo Giao thông vận tải |
Sự tồn tại của chợ cóc trong điều kiện kinh tế, xã hội đất nước ta hiện nay rõ ràng có cái lý của nó. Số đông dân cư có mức sống thấp, lại quen tiêu dùng, đi chợ theo lối cũ. Có tủ lạnh nhưng nhiều gia đình vẫn thích mớ rau tươi. Có thời gian nhưng người ta quen và thích sự tiện lợi và tùy tiện; đi bộ hay ghé xe máy, xe đạp bên đường là mua được... Người bán hàng do nhu cầu tiêu dùng kiểu đó mà có thể kiếm sống. Họ phần lớn là dân quê ngoại thành hoặc tỉnh gần, sớm đèo xe máy chở thực phẩm ra bán chợ cóc, chiều về gom hàng trong thôn. Thế là sống khá hơn nhiều so với làm ruộng, chăn nuôi. Họ bán hàng không thuế hoặc nhập nhèm thuế má, nên hàng của họ rẻ hơn ở chợ chính danh. Ấy là chưa kể hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn có thể bán. Lại có loại người ăn theo chợ cóc bằng cách cho thuê chỗ ngồi bán hàng ở ngay trước cửa nhà mình. Những người quen lối sống “nhất cận thị nhị cận giang” thích chợ cóc, những người cho thuê chỗ bán càng không thể tán thành xóa chợ cóc.
Chợ cóc cạnh tranh, lấn lướt nhiều chuyện với chợ chính danh, siêu thị bởi những lý ấy. Nhưng chính chợ hay siêu thị đàng hoàng cũng tự làm mình yếu thế vì giá cho thuê quầy, chỗ bán hàng cao, tiểu thương đành chào thua, bỏ đi thuê chỗ bán hàng ở các nhà mặt tiền hoặc tham gia vào chính chợ tạm, chợ cóc. Chưa kể nhiều ngôi chợ, trung tâm thương mại chọn vị trí không đắc địa, xây cất không hợp lý, không thuận tiện nên xây xong là bỏ hoang...
Vậy thì chợ cóc cứ tồn tại và thậm chí theo xu thế ngày càng phát triển? Rất có thể như thế nếu những bài toán quy hoạch không được giải đúng và các nhà quản lý không kiên quyết xắn tay lo việc chợ búa cho dân. Chợ là một phần hữu cơ của cuộc sống, là nhu cầu thiết yếu của đô thị. Nếu các cấp chính quyền thực sự chăm lo, chuyện chợ cóc hoàn toàn có thể giải quyết được. Tôi nhớ mới năm ngoái, quận rồi phường tôi không tìm ra được nơi xây trường mẫu giáo, tiểu học thì thành phố ra tay, thế là tìm ra cơ sở nọ, cơ quan kia dùng đất không hợp lý. Tôi và nhiều người cũng tán thành cách làm của phường là nghiên cứu, lập quy hoạch, lên luận chứng kinh tế-kỹ thuật hẳn hoi để sử dụng không gian chợ tạm, chợ cóc nào đấy để làm chợ chính danh, thuận tiện. Chúng tôi cũng tin rằng, nếu kiên trì vận động, thuyết phục có lý, có tình, người dân sẽ ủng hộ. Mặt khác, nếu chỉ dẹp chợ cóc theo kiểu đối phó, được chăng hay chớ thi thoảng theo “chiến dịch”, chợ cóc vẫn cứ tồn tại. Và nữa, đương nhiên cần tổ chức nâng cấp hệ thống chợ, mạng lưới thu mua để văn minh thương mại, văn minh tiêu dùng hiện đại dần thắng thế.
MẠNH HÙNG