Theo quy định hiện hành, hạng chức danh nghề nghiệp là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp. Thăng hạng là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn thông qua hai hình thức thi và xét tuyển của bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/TTXVN.  

Việc thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức vào năm 1998. Tuy nhiên, từ khi tổ chức các kỳ thi thăng hạng viên chức đến nay gặp nhiều khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương được phép tổ chức các kỳ thi này, nhưng nhiều bộ chưa ban hành thông tư hướng dẫn nên khó tổ chức thi. Các lĩnh vực có nhiều viên chức là y tế, giáo dục đều chưa có hướng dẫn thi thăng hạng viên chức. Hơn nữa, để được thi, viên chức phải có chứng chỉ chuyên ngành, trong khi nhiều người chưa có vì đơn vị công tác chưa tổ chức được lớp học. Vì vậy, hằng năm có rất ít kỳ thi thăng hạng viên chức được tổ chức. Nhiều viên chức có năng lực nhưng phải xếp hàng mãi chưa đến lượt thi, gây thiệt thòi về chế độ tiền lương, nhất là đối với giáo viên.

Hơn nữa, với số lượng khoảng 1,8 triệu viên chức hiện nay, việc tổ chức kỳ thi thăng hạng hằng năm gây tốn kém cho cả ban tổ chức, thí sinh và xã hội, mà hiệu quả lại không cao. Các kỳ thi thời gian qua chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm, đặc thù công việc, chưa phản ánh thực chất năng lực. Viên chức trước và sau khi thăng hạng không có sự khác biệt về chất lượng công việc, năng lực. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập của viên chức chứ chưa gắn với việc giúp nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị. Và cũng chính bởi các kỳ thi nêu trên rất quan trọng với các viên chức nên rất dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực.

Trước mắt, việc bỏ thi để chuyển sang xét thăng hạng viên chức sẽ giúp tránh được những vướng mắc trong tổ chức thi, đồng thời giúp tiết kiệm cho cả Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài thực hiện theo cách này vẫn chưa bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chưa giúp tạo ra đột phá trong việc nâng cao thu nhập cho viên chức và nguy cơ xảy ra tiêu cực trong việc xét thăng hạng viên chức vẫn có thể xảy ra.

Thực tế, trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, mà họ trả lương theo vị trí việc làm. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương nên xây dựng và áp dụng các công cụ đánh giá, đo lường hiệu quả công việc thường niên của viên chức, gắn chặt với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện có nhiều bộ công cụ để đánh giá hiệu quả công việc của nhân lực, trong đó có chỉ số KPI rất phổ biến ở các nước phát triển. Theo đó, mỗi đơn vị áp dụng chỉ số KPI theo đặc điểm riêng của mình. Nhìn vào chỉ số này, có thể biết năng lực thực thi công việc của nhân lực, từ đó người sử dụng nhân lực có thể biết nên sử dụng, nâng hạng và đãi ngộ nhân lực ở vị trí nào, ở mức nào cho phù hợp, để đóng góp tốt nhất cho kết quả chung của cơ quan, đơn vị mình.

MINH NGỌC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.