Theo đó, định kỳ hoặc nhân sự kiện, lãnh đạo địa phương và cơ quan quân sự các cấp tổ chức bữa ăn sáng, mời ngư dân tham dự. Bên tô phở, ly cà phê ngày mới, chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi bám biển, ngư dân được bộ đội và cấp ủy, chính quyền địa phương phổ biến nhanh những quy định pháp luật. Chủ tàu còn được tặng cờ Tổ quốc và một số vật dụng thiết yếu, trao gửi lời chúc tốt lành, truyền năng lượng tích cực cho chuyến đi mới.

Ngư dân ăn sáng cùng lực lượng vũ trang và lãnh đạo TP Vũng Tàu. Ảnh: nld.com.vn 

Quá trình tham gia đánh bắt hải sản, sự hiện diện của những con tàu và hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên ngọn sóng góp phần khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, mỗi ngư dân vừa là lực lượng lao động, vừa là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa của dân tộc trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Truyền gửi niềm tin, tình yêu biển, đảo, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội của công dân trên biển cho ngư dân là việc làm thường xuyên, cần nhiều mô hình sáng tạo, cách làm sinh động của các cấp, các ngành chức năng...

Những mô hình công tác dân vận tương tự cũng đã được nhiều địa phương áp dụng. Chẳng hạn, ở một số quận trung tâm TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng vào sáng thứ bảy, chủ nhật, cán bộ cấp quận, phường... lại chủ động đến các tổ dân phố, mời người dân cùng ăn sáng, uống cà phê. Những câu chuyện bên tô hủ tiếu, đĩa cơm tấm, ly cà phê sáng...-người Nam Bộ thường gọi đó là kiểu “văn hóa lai rai”-giúp cán bộ nghe được những lời nói thật, thấy rõ những bất cập, vướng mắc ngay từ mỗi con hẻm, khu chung cư, hộ gia đình, nhà trọ..., nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân, nhất là ở các khu lao động nghèo. Đã có nhiều quyết định được đưa ra, nhiều ý kiến chỉ đạo được thực hiện "ngay và luôn" sau những bữa ăn sáng như vậy, góp phần giải quyết vướng mắc trong nhân dân...

Những hình thức “lai rai” như trên rất đơn giản, dễ thực hiện, chẳng mấy tốn kém, nhưng hiệu quả lại rất cao, cán bộ các cấp ai cũng có thể làm được. Đó là một trong những hình thức để "công bộc" gần dân, hiểu dân, nắm dân. Sinh thời, khi về với dân, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cùng ra đồng cày cấy với dân, xắn quần tát nước chống hạn cùng dân... Bác làm những công việc của nhà nông một cách thành thạo. Sự vĩ đại của Người nằm ở chính phong cách mộc mạc, giản dị, gần gũi... và tình yêu thương bao la dành cho đồng bào mình!

Ngày nay, tiện ích, tiện lợi, tiện dụng của công nghệ thông tin và không gian mạng giúp ích rất nhiều cho công tác, công việc của đội ngũ cán bộ các cấp. Tuy nhiên, cũng chính vì sự tiện ích, tiện lợi ấy nên không ít cán bộ đã sao nhãng việc trực tiếp bám nắm cơ sở. Nhiều cán bộ ở một số địa phương bị Thủ tướng Chính phủ phê bình do nắm cơ sở không chắc, dẫn đến bị động, lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức chống dịch Covid-19 cuối năm 2021. Đó là những dẫn chứng cần được nhắc lại để làm bài học kinh nghiệm cho những nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội thời kỳ hậu Covid-19 ở các địa phương hiện nay.

Công nghệ có hiện đại đến mấy, tiện ích có thông dụng đến đâu thì mãi mãi vẫn chỉ là phương tiện. Công nghệ không thể làm thay cái tâm và trách nhiệm của con người. Ăn sáng với dân hay làm bất cứ công việc gì cùng dân, vì lợi ích của dân, cũng đều là việc cán bộ các cấp cần làm và nên làm. Vấn đề là việc làm đó phải thực tâm, xuất phát từ nhu cầu và tình hình thực tế ở từng địa bàn, địa phương cụ thể để lựa chọn cách làm, mô hình cho phù hợp và hơn hết, đó là tính hiệu quả.

PHAN TÙNG SƠN