Quyết liệt xử lý hiện tượng trục lợi chính sách người có công

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) nêu vấn đề: Thực hiện Pháp lệnh Người có công với cách mạng, trong những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều kết quả hết sức to lớn, thể hiện rõ quyết tâm của ngành và cá nhân Bộ trưởng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả 3 vấn đề: Xác định đối tượng, thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công thực chưa được xem xét công nhận, trong khi đó nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công diễn ra phức tạp, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh. “Vậy, có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh Người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, việc xem xét công nhận người có công đã tiến hành theo các quy định hiện hành. Việc giải quyết hồ sơ người có công được làm quyết liệt.

Nhìn tổng thể thì thấy chính sách người có công thực hiện nghiêm minh, kịp thời, song trong quá trình thực hiện vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách. “Bộ đã quyết liệt xử lý nghiêm minh vi phạm. Bộ và các địa phương đã phát hiện đình chỉ chính sách với hơn 6.500 trường hợp gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc hóa học. Thanh tra đến tháng 8-2018 toàn bộ hồ sơ lập trong giai đoạn 2015 - 2018 với hơn 66.000 hồ sơ, đã đình chỉ chính sách 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng, đã kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ và các địa phương đã xử lý về Đảng và hành chính với hàng trăm trường hợp vi phạm chính sách người có công, truy tố 49 vụ, phạt tù 45 người, án treo hơn 100 người. Như vậy Bộ và các địa phương đã kiên quyết xử lý vi phạm và bước đầu có hiệu quả nhất định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, quan điểm của Bộ là không ban hành Luật người có công. “Chúng tôi đang tiến hành quy trình để trình Thường vụ Quốc hội sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng và lập đường dây nóng tố giác hành vi vi phạm. Đồng thời tiếp tục thanh tra 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ chịu ảnh hưởng chất độc hóa học, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Số giáo viên mầm non đang thiếu hơn 65.000 người

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) về biên chế giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn.

Theo đó, giáo viên đang dạy hợp đồng ở các trường mầm non dân lập và bán công được hưởng chế độ như giáo viên mầm non công lập. Do rất ít trường chuyển từ chế độ hợp đồng sang biên chế với giáo viên mầm non, nên hiện nay, số giáo viên mầm non đang thiếu hơn 65.000 người.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Sau cuộc họp tháng 5-2018 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xem xét bổ sung biên chế hệ mầm non, rà soát lại hợp đồng của giáo viên trước năm 2015 để tuyển chọn vào biên chế.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện 6 giải pháp chính, trong đó tập trung rà soát số học sinh, giáo viên thực tế; hoàn thiện các nghị định, quy định về đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng mô hình chuyển đổi các trường công lập sang ngoài công lập; rà soát định mức; luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; hoàn thiện đề án vị trí việc làm...

Xử lý nghiêm việc kê đơn thuốc không đúng

Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc các bệnh viện kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết, kê đơn sai sót, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quy chế kê đơn thuốc rất chặt chẽ: Trong đơn thuốc có nhiều yêu cầu thông tin như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, hàm lượng, cách dùng và phải thông qua hệ thống đơn thuốc điện tử. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận đang tồn tại thực trạng này. “Vẫn còn những đơn thuốc sai sót như tên không chính xác, hàm lượng không đủ liều, nhiều biệt dược trùng nhau, có thuốc đắt tiền không cần thiết, nhiều thuốc vitamin...”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này, đó là siết chặt hơn thông tư về quy chế kê đơn thuốc; thực hiện kê đơn thuốc điện tử; Bảo hiểm xã hội kiên quyết không thanh toán những đơn thuốc không đạt yêu cầu; xử lý nghiêm bác sĩ thực hiện kê đơn không đúng quy định.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng thừa nhận việc này thuộc trách nhiệm của bác sĩ kê đơn, của bệnh viện, song cũng có cả trách nhiệm về quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hơn với những trường hợp vi phạm.

Thông tin thêm về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay việc này đang được thực hiện rất quyết liệt nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Với sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế và sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), hiện ngành y tế đã nối thông 100% các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả trạm y tế xã với Bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế.

* Sau đó, vào cuối giờ chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.

PHƯƠNG HẰNG