 |
Một số loại vũ khí thô sơ, tự tạo. Ảnh: Sơn An
|
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập nước CHXHCN Việt Nam (1945-2009), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm bộ sưu tập: Vũ khí thô sơ tự tạo của Việt Nam trong chiến tranh giải phóng (1945-1975) với tên gọi: “Vũ khí thô sơ tự tạo - Di sản văn hóa quân sự Việt Nam đặc sắc”. Đây là lần đầu tiên một cuộc triển lãm với quy mô lớn, phong phú về vũ khí thô sơ tự tạo được tổ chức, sẽ góp phần mang đến cho người xem một cái nhìn toàn diện về ý chí, sự sáng tạo, đường lối quân sự độc đáo của dân tộc ta. Triển lãm sẽ khai mạc vào ngày 1-9-2009.
Triển lãm giới thiệu 716 hiện vật trong bộ sưu tập gồm 18 loại vũ khí lạnh, 5 loại vũ khí nóng, thể hiện sự phát triển từ đơn giản đến hiện đại, sự đa dạng, phong phú về cấu tạo, kiểu loại, kích thước, tính năng tác dụng của các loại vũ khí. Vũ khí tự tạo là một trong những đặc điểm quan trọng trong lối đánh “du kích” của ta những năm kháng chiến.
Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã biết sử dụng công cụ bằng đá, cung nỏ làm bằng bẫy tre, gỗ để săn bắt, hái lượm và chống lại thú dữ bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển dân tộc. Thời đại đồ đồng đã biết làm ra các loại rìu chiến, giáo, mác, mũi tên để chống lại kẻ thù xâm lược. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm. Các loại vũ khí thô sơ tự tạo có vai trò to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Dân tộc ta luôn phải tiến hành bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh nước nhỏ, nghèo đấu tranh với kẻ thù luôn mạnh hơn ta gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quân sự. Để đánh bại được kẻ thù, giữ yên bờ cõi, các thế hệ người Việt Nam đoàn kết một lòng, biết dựa vào những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng và phát triển lực lượng. Để chống lại phong kiến phương Bắc, ông cha ta đã làm ra nỏ, cung tên, giáo, mác, qua, kiếm, long đao… và lấy gỗ đẽo nhọn thành cọc đóng xuống lòng sông để đánh đắm tàu giặc làm nên những chiến thắng thần kỳ, đời đời lưu danh trong sử sách như chiến thắng của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên, Lê Lợi đánh thắng quân Minh, Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, Quân và dân ta sử dụng nguyên liệu sẵn có ở các địa phương như tre, gỗ, đá, ong vò vẽ, lá độc, thu nhặt thanh tà vẹt, dây đồng, bom đạn lép chế tạo thành vũ khí. Từ em nhỏ, đến cụ già, không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể sản xuất được vũ khí và tự trang bị cho mình để đánh địch. Với Việt Nam, vũ khí thô sơ, tự tạo được đúc kết thành tri thức, kinh nghiệm, trở thành di sản văn hóa quân sự Việt Nam đặc sắc, còn đối với các nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài, họ cho rằng: Trong cuộc chiến tranh Việt Nam “mìn, cạm bẫy, hầm chông” đã vượt xa khuôn khổ vũ khí, phương tiện chiến đấu, chiến thuật, trở thành “một phương thức chiến tranh”. Đó chính là một trong những nét thần kỳ của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Đến với cuộc triển lãm này, người xem sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến những loại vũ khí có một không hai, do người dân và các chiến sĩ tạo ra trong những điều kiện chiến đấu khác nhau. Từ ống nước, viên đá, cây tre, từ những vũ khí, đồ dùng thu được của địch, quân và dân ta đã tạo ra những vũ khí chống lại kẻ thù vô cùng hiệu quả. Ta sẽ hình dung được, trong mỗi mái nhà, mỗi ngôi làng Việt Nam, từ những thứ thân thương nhất, hiền lành nhất, khi kẻ thù đến cũng có thể biến thành vũ khí diệt quân thù. Tính đến năm 1954, ngoài các loại vũ khí thô sơ, vũ khí do quân và dân ta chế tạo như các loại bom, mìn, súng... thực dân Pháp xác nhận gồm 69 kiểu. Các loại vũ khí thô sơ tự tạo của Việt Nam không chỉ là sản phẩm của ý chí tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta mà còn phản ánh đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, được ghi lại qua các trận đánh hoặc gắn liền với tên tuổi các anh hùng. Đó là Anh hùng Đoàn Văn Chia, bộ đội địa phương Cần Thơ với 33 loại hầm chông tự chế, huấn luyện 100 đàn ong vò vẽ. Anh hùng Đoàn Văn Chia đã kết hợp hầm chông, cạm bẫy và ong vò vẽ làm cho một tiểu đoàn địch phải bỏ dở trận càn năm 1965; Đó là trận đánh bằng bẫy đá của Anh hùng Pi Năng Tắc, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thực hiện đã diệt nhiều Mỹ-ngụy. Người xem đến triển lãm cũng có cơ hội chứng kiến tận mắt những khẩu súng ngựa trời – loại vũ khí sử dụng chủ yếu trong phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre do xưởng Long An chế tạo năm 1956 dưới sự chỉ huy của đồng chí Hai Thanh… Những loại vũ khí thô sơ, tự tạo ấy, đơn giản nhưng dễ sử dụng, tốn ít chi phí và vô cùng hiệu quả trong nhiều cuộc chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh đối với kẻ thù. Những người lính Pháp và Mỹ từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, mỗi khi nhắc đến chông, mìn, cạm bẫy của “Việt cộng”, họ vẫn còn rợn người, khiếp đảm. 50% tổng số thương vong của lính Mỹ là do chông, mìn, cạm bẫy. Tờ Thời báo Mỹ số ra ngày 28-11-1966, có đoạn viết: “Thần chết luôn rình rập họ khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào từng chiếc gáo dừa, mở ra một cánh cửa, nhấc một cái áo, gạt một nhánh lá khô trên đường đi”. Rút-sen, Chủ tịch Ủy ban quân lực thượng nghị viện Mỹ thừa nhận: “Chúng ta (Mỹ) phải đương đầu với đội quân du kích tài tình nhất và chưa từng thấy trong lịch sử loài người”.
Có thể nói, cuộc triển lãm về vũ khí thô sơ tự tạo lần này do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức sẽ mang đến cho người xem một cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo, riêng biệt, mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Những vũ khí này là di sản văn hóa quân sự đặc sắc, minh chứng cho sự thông minh, sáng tạo của người Việt Nam trong chiến tranh; minh chứng cho hiệu quả của cuộc chiến tranh du kích mà ta đã tiến hành và là minh chứng sống động cho đường lối quân sự mà Đảng ta đã đề ra với quan điểm cơ bản là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.
Phạm Thành Huyên