Với diện tích 328 nghìn km2, nhưng có tới gần 3,3 nghìn km bờ biển, Việt Nam đã có lợi thế, tiềm năng về biển mà không phải nước nào cũng có.
 |
Biển Thiên Cầm. Ảnh: Internet |
Lợi thế tiềm năng về biển của Việt Nam không chỉ là tài nguyên như dầu mỏ, hải sản, cảng biển, du lịch,... quan trọng hơn là vị thế địa lý, kinh tế biển. Theo truyền thuyết, Mẹ Âu Cơ đã cho 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Cũng do vai trò quan trọng của kinh tế biển, nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các nhiệm kỳ có các nghị quyết về thí điểm xây dựng các khu kinh tế mở.
Văn kiện Đại hội X đã đề cập đến việc xây dựng các đặc khu kinh tế. Sản lượng thủy sản đã vượt qua mốc 2 triệu tấn, riêng khai thác biển gần 1,6 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,8 tỉ USD. Dầu thô khai thác năm cao nhất đã vượt mốc 20 triệu tấn, kim ngạch đạt 8,8 tỉ USD; khí khai thác 6,86 tỉ m3… Nhiều cảng biển đã được xây dựng, hằng năm có hàng trăm triệu tấn hàng hóa thông qua. Có hàng triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển.
Song, so với tiềm năng, lợi thế, thì Việt Nam vẫn còn "đứng trước biển" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phần tài nguyên đang khai thác vẫn còn thấp so với tiềm năng, hoặc có một số vấn đề cần xem xét. Dầu thô giá thế giới tăng rất cao, nhưng không thể tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu một cách vô hạn, do phải tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được này; việc xây dựng cơ sở chế biến trong nước trước đây bị chậm,... Đánh bắt cá xa bờ đầu tư lớn, nhưng hiệu quả thấp; trong khi đó, các cơ quan chức năng tính toán tới 40 nghìn chiếc tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, sẽ liên quan đến cuộc sống vốn chưa khá giả gì (thậm chí phần đông còn là nghèo khó, nhất là qua mấy lần bị bão gió, vỡ đê biển,...) của hàng trăm nghìn lao động nghề cả và dịch vụ. Rồi cảng biển nhiều, nhưng ít cảng sâu để tàu lớn có thể vào được; ở một số tỉnh miền Trung gần như tỉnh nào cũng có cảng, có những cảng ở quá gần nhau,...
Vị thế địa lý biển của Việt Nam chẳng khác gì nhà mặt phố - đường ra biển của một số nước và cả một số vùng của miền tây nam rộng lớn của Trung Quốc. Vị trí địa lý này nằm trên đường hàng hải quốc tế giữa vùng Đông Nam Á (một trung tâm phát triển năng động nhất thế giới; với 574 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, có đặc điểm chung là có tỷ lệ tích lũy cao, nền kinh tế định hướng xuất khẩu với tỷ lệ giữa kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP thuộc loại cao nhất thế giới,...).
Thế giới có 90 nước với 300 khu kinh tế tự do ở dọc bờ biển. Trung Quốc đã hình thành 5 đặc khu, 15 thành phố mở ven biển. Thâm Quyến vốn là một làng chài từ năm 1986 đã hình thành đặc khu kinh tế mở, hiện có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn gần gấp đôi Việt Nam, có mức tăng trưởng GPD rất cao, lên đến 27% liên tục trong suốt hơn hai mươi năm qua. Khu kinh tế mở Tô Châu tăng trưởng lên đến 40%/năm, tức là sau gần hai năm đã lớn gấp đôi. Ấn Độ có 10 đặc khu. Hàn Quốc đã có Luật Khu kinh tế tự do và đã xây dựng ba khu kinh tế tự do được tự trị cao. Malaysia đã xây dựng đặc khu kinh tế tự do với diện tích lên đến hai nghìn km2,... Các khu kinh tế tự do trên thế giới có các mô hình từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, như cảng kinh tế tự do, khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế tự do, đô thị quốc tế tự do. Các khu kinh tế tự do là vùng đất có thể chế đặc biệt về mặt kinh tế, hành chính; chủ yếu thu hút các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài và thực hiện thể chế hành chính quốc tế.
Việt Nam đã có một số khu kinh tế được mở, nhưng chưa có khu kinh tế nào được coi là tự do theo đúng nghĩa. Ngay khu kinh tế Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ năm 2001, nhưng mãi đến năm nay mới có quyết định về quy chế khu kinh tế mở. Diện tích các khu kinh tế cũng chỉ vào khoảng 4 - 5 nghìn ha, quá hẹp so với một đặc khu kinh tế tự do của nước ngoài (rộng hàng trăm km2); chính sách ưu đãi mới chủ yếu bằng thuế, giá đất, còn các thể chế hành chính, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, nhân lực, việc mua nhà cửa, môi trường sống, môi trường kinh doanh,... còn hạn chế.
Muốn tiến ra biển, Việt Nam không chỉ khai thác tốt nhất tài nguyên mà còn phải khai thác lợi thế về vị trí địa lý.
Theo Thanh Niên (Đào Ngọc Lâm)