Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên họp đầu tiên của năm mới Quý Mão, cũng là phiên đầu tiên thực hiện theo Quy chế hoạt động mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh phiên họp đã bám sát và hoàn thành nội dung theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực lớn của các cơ quan hữu quan đóng góp vào kết quả của phiên họp. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên họp.

Điểm lại các kết quả của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với 3 dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này về cơ bản đã đủ điều kiện để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Về các dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua hai nghị quyết là: Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp và Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; đồng thời cho ý kiến bước đầu về dự thảo nghị quyết liên quan đến các vấn đề thi đua, khen thưởng.

Liên quan đến địa giới hành chính, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định thành lập thêm được 1 thành phố, 2 thị xã, 34 phường, 11 thị trấn và điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn của 10 tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là bước quan trọng để hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, thực hiện Nghị quyết Trung ương về vấn đề phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa ở các địa phương được tăng lên khá cao.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 20.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia; thông qua nghị quyết giao danh mục và mức vốn cho 129 nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của tháng 12-2022 và tháng 1-2023; cho ý kiến đánh giá về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ hai và Kỳ họp bất thường lần thứ ba.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng về kết quả của phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng phiên họp đã bám sát nội dung chương trình và kết thúc đúng lịch trình, trong đó có những nội dung vượt ngoài mong đợi, tạo tiền đề tích cực cho các công việc tiếp theo.

Trên cơ sở các kết luận nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký và các cơ quan hữu quan hết sức khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt là hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành sớm.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ như chuẩn bị cho Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Hội nghị công tác Hội đồng nhân dân toàn quốc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuẩn bị cho các phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3, tháng 4-2023, có thể có phiên họp chuyên đề pháp luật, tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn, triển khai hoạt động giám sát…

Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các chương trình, kế hoạch và kết quả giao ban đầu năm, khẩn trương tổ chức triển khai các công việc, trước mắt sắp xếp lịch và chuẩn bị kỹ nội dung cho buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để thống nhất nội dung phối hợp công tác cho cả năm nay.

* Trước phiên bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết và cơ sở ban hành nghị quyết.

"Việc xây dựng nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

THẢO PHƯƠNG