Sửa đổi, bổ sung 8 luật phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế
Tiếp theo, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.
Luật Đầu tư công được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý...
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được sửa đổi, bổ sung theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày dự án luật tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Luật Đầu tư được sửa đổi theo hướng thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt...
Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước)...
Cần báo cáo bổ sung đánh giá tác động
Thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đa số ý kiến của các ủy ban được phân công thẩm tra tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đa số ý kiến của các ủy ban cũng đánh giá hồ sơ dự án đã được khẩn trương hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về việc ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan.
Tuy nhiên, do những chính sách quy định tại dự thảo luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, vì vậy, để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành có liên quan tới nội dung quy định chi tiết tại văn bản dưới luật, đề nghị báo cáo rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi. Đối với nội dung của dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ nhiều vấn đề liên quan tới từng nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Khái niệm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa được quy định tại văn bản luật
Cũng theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, hiện nay, khái niệm, điều kiện xác định “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” chưa được quy định tại các văn bản luật mà được hướng dẫn tại văn bản dưới luật.
Khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn đến mở rộng phạm vi “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh” bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do các cổ đông khác ngoài Nhà nước nắm giữ.
Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là quy định nhất quán kể từ năm 2014 đến nay. Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng xác định rõ đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Khái niệm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa được quy định tại văn bản luật. Ảnh: VPQH
Ngoài ra, qua rà soát, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm, điều kiện xác định doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đề nghị quy định rõ “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc thận trọng việc mở rộng đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có 100% vốn điều lệ được nắm giữ bởi doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...