Tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm nhờ cải cách hành chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh đến nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 ở các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh.

Theo đó, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách Trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam....

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Bất cập trong mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng, chống dịch Covid-19

Thẩm tra báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%. Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa tổng hợp được các dự án "treo", diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý; vi phạm về đất đai vẫn xảy ra dẫn đến khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn cần có giải pháp để sử dụng hiệu quả.... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: VPQH 

 Rút ngắn thời gian kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Cũng trong phiên họp chiều 24-7, Quốc hội đã tán thành việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV từ ngày 25-7 đến bế mạc kỳ họp. Theo đó, chương trình kỳ họp được rút ngắn 3 ngày; bế mạc vào ngày 28-7 thay vì ngày 31-7 như chương trình đã được Quốc hội thông qua đầu kỳ họp.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp đã đề ra với chất lượng, hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; trên cơ sở đề nghị của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, căn cứ tình hình thực tế và nội dung còn lại của chương trình kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất.

Cụ thể, Quốc hội sẽ họp cả ngày chủ nhật (25-7); giảm 1 ngày thảo luận tại hội trường của một số nội dung về tài chính, ngân sách, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia do đã được thảo luận rất chi tiết, nghiêm túc sâu sắc tại các phiên thảo luận tổ làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua; tận dụng 1 ngày dành cho nội dung về công tác nhân sự và kéo dài một số phiên họp của Quốc hội sau 11 giờ 30 phút hoặc sau 17 giờ.

PHƯƠNG HẰNG