Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng...
Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (trong đó có 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020. Mức vốn bố trí bình quân cho một dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).
 |
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
“Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ sẽ tập trung một loạt giải pháp như: Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.500 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, kém hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với mức ngân sách như trên, trong thời gian 5 năm, Chính phủ dự kiến kế hoạch sẽ xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành nhiều tuyến giao thông quan trọng như: Các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông - Tây...
Đồng thời, nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tạo những sản phẩm công nghệ lõi để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Bảo đảm tính khả thi của kế hoạch
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công.
"Vì thế, một số ý kiến đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2.750 nghìn tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV", đồng chí Nguyễn Phú Cường nói.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
Cũng theo đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng hơn 104.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với hơn 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2), đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định.
Đối với dự kiến hoàn thành 1.700km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách và các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khó khả thi. Bởi lẽ, các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ; khả năng bố trí ngân sách nhà nước hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. "Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
PHƯƠNG HẰNG