Sáng 11-5, thực hiện chương trình làm việc phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. 

Sức ép lớn đến lạm phát

 Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một số kết quả đạt được nổi bật trong các tháng đầu năm 2022. Đó là, nền kinh tế mở cửa trở lại, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; số ca nhiễm, ca tử vong giảm sâu, dịch cơ bản được kiểm soát, khẳng định chủ trương đúng đắn trong thời gian qua.

Cụ thể, kinh tế - xã hội quý I năm 2022 tiếp tục thu được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt khá, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay...

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đặc biệt lưu ý một số nội dung.

Theo đó, chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018 - 2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, so với mức tăng hàng hóa thế giới, lạm phát trong nước tăng chậm hơn nhờ vào giá thực phẩm luôn ở mức âm từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022. Tuy nhiên, giá thực phẩm đang có xu hướng âm ít hơn và có khả năng dương trở lại trong các tháng tới; tiêu dùng khôi phục chậm, nhất là tiêu dùng dịch vụ cũng là nguyên nhân hỗ trợ lạm phát của nước ta tăng chậm.

“Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

 Toàn cảnh phiên họp sáng 11-5. Ảnh: VPQH

Hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi

Đặc biệt, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặc biệt lưu ý đến tình trạng thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

“Số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Bên cạnh đó, về thị trường trái phiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Cũng quan tâm đến hai thị trường “nóng” trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, thị trường chứng khoán thời gian qua đã xuất hiện tình trạng thao túng giá, làm giá, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp, công ty niêm yết, khiến cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu ổn định, thiếu bền vững.

“Vấn đề trên cần có nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, cần làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi để xảy ra tình trạng này. Về thị trường trái phiếu cũng cần đánh giá cụ thể những rủi ro do các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Từ những ý kiến trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính; đặc biệt là xử lý nghiêm, thấu đáo các sai phạm.

THẢO PHƯƠNG