Năm ngoái, thị trường bất động sản ở Hà Nội đã “nóng” lên ngay sau khi có thông tin về việc UBND thành phố đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch các huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố. Gần đây, ở các huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Tình trạng “sốt đất ảo” không chỉ diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn lan ra nhiều tỉnh, thành phố của nước ta. Đáng lo ngại là có nhiều doanh nghiệp, thậm chí là công ty "ma" còn có nhiều chiêu trò tạo ra cảnh "sốt đất" để lừa người mua đặt cọc trên những mảnh đất chưa được quy hoạch. “Sốt đất ảo” đã làm biến động và lũng đoạn thị trường bất động sản. Mục tiêu của những người tạo ra “sốt đất” là để thao túng thị trường, đẩy giá đất lên cao, đầu cơ và trục lợi.
 |
Ảnh minh họa: VnExpress. |
Tình trạng này đã gây nhiều thiệt hại cho những người nhẹ dạ cả tin. Bị hút theo những cơn “sốt đất ảo”, không ít nhà đầu tư trở thành nạn nhân của “bong bóng” bất động sản. Họ nhanh chóng bỏ tiền mua đất tại các khu vực được coi là có tiềm năng sinh lời lớn, nhưng sau này cũng khó có thể bán được bởi việc quy hoạch đôi khi chỉ là những thông tin truyền miệng hay “bánh vẽ” của những kẻ trục lợi.
Hiện nay, việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những kẽ hở lớn để tạo ra các đợt “sốt đất ảo”. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng", gây “sốt đất ảo”, làm rối loạn thị trường.
Để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, điều đầu tiên là phải minh bạch, công khai quy hoạch để người dân biết, tránh sập bẫy những kẻ môi giới lừa đảo. Người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm về việc công khai, minh bạch quy hoạch. Về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh số hóa quy hoạch và sản phẩm bất động sản để người dân thuận tiện tra cứu, tiếp cận thông tin khi có nhu cầu.
Tiếp theo, cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án để đẩy giá bất động sản lên cao hòng thu lợi bất chính; thường xuyên quản lý, nắm chắc thị trường bất động sản và hoạt động của đội ngũ môi giới, kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng "sốt giá", tung tin đồn thổi, đầu cơ, tạo “sốt đất ảo”.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm minh các cán bộ có thẩm quyền hoặc công chức tiếp tay, móc nối bên ngoài trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai không phù hợp với quy hoạch, cũng như quy định của pháp luật để trục lợi, tư túi; không ký và xác nhận các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đối với nhà đất, bất động sản bằng giấy tay hoặc chưa có giấy tờ hợp lệ, hợp pháp theo quy định.
Những nhà đầu tư có ý định mua bán, đầu tư bất động sản cần cảnh giác với những thông tin đồn thổi để tránh gặp rủi ro; chủ động tiếp cận chính quyền địa phương để tham khảo thông tin chính xác về thửa đất, nguồn gốc đất, những vấn đề về quy hoạch mới được phê duyệt. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được tình trạng “sốt đất ảo”, ổn định thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
PHÚ HƯNG