Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Sử dụng 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua bù 172.889,47 tấn gạo dự trữ quốc gia đưa vào dự trữ quốc gia theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 30/TTr-CP ngày 4-9-2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết này và quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ giám sát, kiểm toán, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết này.
* Trước đó, ngày 5-9, Tổng cục Dự trữ nhà Nước cho biết, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã xuất cấp, bàn giao hơn 42.443 tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 ở 24 tỉnh, thành phố tại miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.
Theo Tổng cục Dự trữ nhà Nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã kiểm tra chất lượng gạo, niêm phong mẫu rồi mới tiến hành xuất gạo cho các nhà thầu vận tải theo “luồng xanh” để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hiện tại một số Cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành trước hạn 100% nhiệm vụ được giao.
Việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho mỗi mục tiêu, tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau, nhưng đối với xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, Tổng cục Dự trữ Nhà nước luôn xác định việc xuất cấp kịp thời hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, phức tạp, nhiều địa phương đã triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; trong đó có các tỉnh, thành phố phía Nam.
NGUYỄN THẢO