Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào sáng mai (23-10), dự kiến bế mạc vào ngày 28-11-2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm:

Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

 

 

9 dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Trong đó, một dự án luật được dư luận và nhân dân rất quan tâm là Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư và ý kiến nhân dân.

Đến nay, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm).

Một dự án luật dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Đặc biệt là kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 điều. Đáng chú ý, trong dự thảo luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định riêng về chính sách phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Một dự án luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo là dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cũng dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ năm, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau đó, Ban soạn thảo dự án luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật, nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn công trình quốc phòng, khu quân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trình Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 34 điều.

Ngoài ra, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc xây dựng luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Một dự án luật khác do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này là Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Việc xây dựng luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số...

THẢO NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.