Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 22, chiều 11-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. 

Sẽ giám sát thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn các chuyên đề 1, 2, 3, 4.

leftcenterrightdel
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Liên quan đến kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự phiên họp.  

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với báo cáo và cách làm trong việc nhìn lại kết quả giám sát; việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo; cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng trong giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và cũng là để tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm, các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại; đồng thời, cũng cần xem xét những lời hứa, những cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành sau những phiên chất vấn được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào, với tinh thần phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc...

THẢO PHƯƠNG