Vách đá khai thác không đúng quy cách gây đổ sập.

Chỉ sau sự cố lở mỏ đá Đ3 trên công trường thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) ít ngày, lại tiếp sự cố sập mỏ đá Họng Khái, điểm tiếp giáp hai xã Thạch Bàn và Thạch Định huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đã làm chết 7 người dân, một người bị thương nặng. Nỗi đau quặn thắt lòng dân xã Thạch Bàn, một xã bãi ngang rất nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều ngày 27-12, hàng chục lao động (chủ yếu là nữ) của hai hợp tác xã (HTX) khai thác đá Sơn Long (xã Thạch Bàn) và Văn Sơn (xã Thạch Định) đang bốc đá dưới chân mỏ Họng Khái lên mấy chiếc xe công nông. Vào lúc 16 giờ 30 phút, bất ngờ từ trên đỉnh, đá ào ào lở xuống. Hàng chục tấn đá đã vùi lấp 6 lao động và làm bị thương nặng 2 lao động khác đều của HTX Sơn Long, xã Thạch Bàn.

Đến 17 giờ 30 phút, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ (cơ quan quân sự tỉnh, huyện, đại đội công binh, công an, dân quân trên địa bàn hai xã) với máy móc, phương tiện hiện đại đã kịp thời có mặt ứng cứu tìm kiếm thi thể nạn nhân. Đến 23 giờ 30 phút, tất cả 6 thi thể nạn nhân bị vùi dưới lớp đá đã được tìm thấy. Còn hai nạn nhân bị thương nặng trong quá trình cấp cứu, một người đã chết, người kia trong tình trạng nguy kịch. Như vậy, sự cố sập mỏ đá Họng Khái đã làm chết 7 người, bị thương nặng một người. 7 người đã mất là: Nguyễn Văn Khương 52 tuổi; Nguyễn Thị Tương 24 tuổi; Lê Thị Thành 48 tuổi; Vương Thị Kim 57 tuổi; Nguyễn Thị Dung 55 tuổi; Lê Thị Nguyệt 46 tuổi; Lê Thị Long 24 tuổi. Còn chị Lê Thị Luyện chân tay giập nát, đang trong tình trạng nguy kịch.

Các đồng chí Tỉnh ủy, HĐND, UBND, BCHQS và các tổ chức quần chúng trong tỉnh, trong huyện có mặt kịp thời, động viên, giúp đỡ thân nhân nạn nhân. Trước mắt, mỗi gia đình có nạn nhân tử vong, tỉnh trợ giúp 3 triệu đồng, huyện trợ giúp 2 triệu đồng và xã 500 nghìn đồng; nạn nhân bị thương, tỉnh trợ giúp 1 triệu đồng, huyện trợ giúp 500 nghìn đồng và xã 300 nghìn đồng.

Trong nỗi đau khôn tả, người dân Thạch Bàn đang lo mọi việc để đưa những người con xấu số về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông Võ Ngọc Thọ ở xóm 7 cho tôi biết trong nước mắt: Tôi bị mất một lần 2 người con dâu là cháu Tương và cháu Long, để lại cho gia đình 5 đứa cháu còn nhỏ dại, trong đó có một cháu mới 8 tháng tuổi. Chị Kim trong xóm cũng để lại cho chồng 4 đứa con thơ. Đau đớn vô cùng... Khi tôi nhắc đến những việc lao động khó nhọc trên mỏ đá như vậy sao toàn chị em gánh vác cả? Anh Lưu Minh Thuận, xóm trưởng xóm 7 cho hay: Xã Thạch Bàn nói chung, xóm tôi nói riêng, trước đây sống bằng nghề sản xuất muối. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám hoài. Sau ngày xóa bỏ bao cấp, bà con cải tạo đồng muối thành hồ nuôi trồng thủy sản theo dự án của Đan Mạch, nhưng chỉ được hai năm rồi cũng thất bại. Những người khỏe mạnh đành tha phương tìm kế sinh nhai, ở lại quê chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em. Người ở quê cũng chỉ trông cậy vào HTX khai thác đá để kiếm sống. Chính vì vậy số lao động trên mỏ đá hầu hết là chị em và các cháu gái chưa đủ tuổi lao động; xã viên không ra xã viên, hợp đồng cũng không ra hợp đồng cứ đến làm ngày nào hưởng ngày đó.

Vách mỏ đá dựng đứng, có đoạn như muốn nghiêng, sắp đổ sập xuống. Dưới chân mỏ, hiện trường còn nguyên vẹn hàng tấn đá đè bẹp mấy chiếc xe công nông và cướp đi mấy mạng người lao động. Tôi rùng mình: Khai thác như thế này là không đúng quy cách, nếu không ngăn chặn thì nguy cơ tiếp diễn tai nạn nữa. Cụ Dương Văn Mão (70 tuổi), anh Nguyễn Hữu Đào (công nhân khai thác đá ở xã Thạch Định), anh Nguyễn Trường Sơn công nhân khai thác đá HTX Sơn Long và anh Võ Tá Nhung (ban quản lí rừng phòng hộ huyện Thạch Hà) đều có cùng ý kiến: Không ai quan tâm khai thác thế nào là đúng quy cách, an toàn. Kể cả lúc đánh mìn khai thác đá họ cũng không có hành lang an toàn. Cách đây 2 tháng nổ mìn đánh đá đã làm cháu Phạm Thị Thơm 16 tuổi, con ông Phạm Công Tiu ở xã Thạch Định bị đá rơi xuống làm giập cả hai chân. Có một phóng viên truyền hình địa phương về đưa ông chủ nhiệm HTX Thạch Bàn (trước đây), được coi là điển hình về cung cách làm ăn mới ra chân mỏ đá để ghi hình, vô tình đá sập xuống cướp mất sinh mạng của ông. 7 người chết hôm 27-12 là con số lớn nhất từ trước tới nay. Chứ kể từ năm 2000 (từ khi có HTX khai thác đá) đến nay, bình quân mỏ đá cướp đi của làng, của xã mỗi năm từ 1 đến 2 người con vô tội. Không những thế khu vực khai thác đá còn là điểm sinh ra tệ nạn xã hội tiêm chích ma túy, đánh bạc. Các anh, các bác chỉ cái lều lợp lá cách chân mỏ hơn 200 mét bảo: đó là điểm đánh bạc, tiêm chích ma túy đấy! Họ biết cả mà cứ làm ngơ!

Chúng tôi trao đổi lại với ông Nguyễn Văn Lượng, chủ tịch UBND xã Thạch Bàn về những gì được nghe, được thấy ở mỏ đá Họng Khái. Ông Lượng cho chúng tôi biết: Tỉnh đã cấp cho các hợp tác xã đầy đủ quyết định, giấy phép, thiết kế khai thác từ năm 2000. Nhưng nhắc đến những vấn đề bảo đảm an toàn chưa tốt trong khai thác gây tai nạn làm chết người hằng năm thì ông Lượng lảng tránh. Nỗi đau ở Thạch Bàn không của riêng ai. Để làm vơi bớt nỗi đau, ngoài chăm lo thăm hỏi động viên về vật chất tinh thần, lãnh đạo chính quyền xã cần phải nhận rõ trách nhiệm lớn thuộc về mình. Hơn nữa cũng rất cần sự quan tâm chỉ đạo thiết thực của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh và huyện trong tháo gỡ những khâu yếu, việc khó giúp người dân Thạch Bàn vơi bớt nỗi đau, vươn lên thoát đói nghèo, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Bài và ảnh: THUẬN THẮNG