 |
Toàn cảnh phiên họp sáng 30-10. Ảnh: Quốc hội. |
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 121 đại biểu đăng ký chất vấn.
Kiên quyết chấn chỉnh công tác quản lý môi trường
Là đại biểu chất vấn đầu tiên, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc khắc phục ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ. Đại biểu nhắc lại trước đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hứa “sẽ trả lại màu xanh cho 2 dòng sông này sau 5 năm, nhưng tới giờ vẫn chưa sạch” và đặt vấn đề Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào không.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để xử lý ô nhiễm sông phải xử lý tại nguồn, điều này có liên quan đến trách nhiệm của các địa phương, nhất là ở đầu nguồn như TP Hà Nội, Hòa Bình trong xử lý nước sinh hoạt. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải đánh giá các nguồn thải, xác định công nghệ để xử lý ô nhiễm, tính toán các chi phí và các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng... “Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì chúng ta có thể xử lý được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. |
Về vấn đề ô nhiễm làng nghề và ô nhiễm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đây đang là vấn đề bức xúc. Bộ trưởng cho biết, thực tế hiện nay chúng ta đã xác định được các loại hình làng nghề gây ô nhiễm môi trường; riêng các khu công nghiệp thì đã có lộ trình để xử lý nước thải tập trung. Đến nay, đã có 80% các khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng trên 10% đã lắp đặt các hệ thống về quan trắc nước thải tự động...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ở khu công nghiệp, việc xử lý nước thải đã có bước tiến đáng kể, còn tại các cụm công nghiệp thì tình hình vẫn rất nan giải. Bởi lẽ, cụm công nghiệp là do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn lực, nhân lực đầu tư bị hạn chế. Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp, bởi tại đây đang xuất hiện những cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tái chế. Nhiều cụm công nghiệp lại có người dân sinh sống bên cạnh, nếu không được xử lý vấn đề môi trường thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thời gian tới, Bộ sẽ tích cực thanh tra, kiểm tra, phối hợp xem xét, đánh giá lại chỉ tiêu thứ 17 về việc đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các làng nghề, cụm công nghiệp, để đến cuối nhiệm kỳ, bất cứ khu công nghiệp cũ hay mới nào cũng đều đáp ứng và tuân thủ các quy định về môi trường.
Tham nhũng đã được đẩy lùi
Tiếp đó, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, bên cạnh tham nhũng “vặt” thì tham nhũng tại các doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích... đang gây bức xúc, đại biểu Mão nêu câu hỏi: “Giải pháp căn cơ của Thanh tra Chính phủ là gì để đẩy lùi bức xúc này?
 |
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn. |
Trả lời đại biểu Trần Văn Mão, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, toàn dân rất quan tâm. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, tình trạng tham nhũng đã được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy vậy, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, được xem là trọng tâm, tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng chống trong thời gian tới.
Đề cập đến nhiều nguyên nhân, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh thời gian tới cần thực hiện một loạt các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng tới toàn dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức; hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện để kiểm soát được các hoạt động của công chức nhà nước; thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi (kê khai tài sản, xử lý tài sản bất minh); cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng chống tham nhũng, tăng cường thanh tra, phát hiện để làm trong sạch bộ máy
Ngăn chặn tình trạng đạo đức xuống cấp
Trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về giải pháp ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và gia đình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận đây là vấn đề khó, cần thời gian lâu dài. Hiện nay, nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc bị mai một, tình trạng xuống cấp đạo đức, bạo lực gia đình, chạy chức chạy quyền diễn ra nhiều...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, về giải pháp, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ đã tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản để xây dựng đời sống văn hóa, con người mới, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; đồng thời triển khai các giải pháp phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong giáo dục đạo đức hướng con người tới chân-thiện-mỹ; phối hợp với ngành giáo dục, Trung ương đoàn... để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xã hội; đẩy mạnh thanh tra kiểm tra xử lý sai phạm... Tuy nhiên vấn đề này vừa phải làm từng bước, vừa phải quyết liệt và cần có sự tham gia của toàn xã hội.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính về giải pháp quan trọng nhất để thực hiện chính sách về thuế, bảo đảm hài hòa lợi ích của người nộp thuế và nhà nước.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện cắt giảm thuế quan do hội nhập, giảm thu từ ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm..., việc điều chỉnh lại chính sách thuế là hợp lý. Trong đó có giải pháp điều chỉnh, bổ sung 8 loại thuế như thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên; đồng thời trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành thuế tài sản. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, qua đánh giá cho thấy trong chính sách thuế hiện còn lồng ghép nhiều ưu đãi, an sinh xã hội... Do đó, Bộ Tài chính đang tổng kết, đánh giá các loại thuế này với tinh thần điều chỉnh chính sách thuế bảo đảm tính trung lập, mở rộng cơ sở thu của thuế, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh và các sắc thuế điều chỉnh phải phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tin, ảnh: THẢO NGUYỄN