Nằm ở phía nam của huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), Long Hưng được mọi người biết đến như một “địa chỉ đỏ”. Cách đây 66 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Long Hưng đã dấy lên cuộc khởi nghĩa, nhân dân nhất tề nổi dậy, chiến đấu oanh liệt chống giặc ngoại xâm, mở đầu giai đoạn chiến đấu mới…
 |
Trong vườn cam trĩu quả của nông dân Cao Hồng Hà |
Trở lại Long Hưng lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng quê kháng chiến năm xưa. Từ Quốc lộ 1A rẽ vào, con đường Long Hưng được láng nhựa mịn màng, đưa chúng tôi đến trụ sở UBND xã Long Hưng. Trao đổi với đồng chí Cao Văn Hiệp, chủ tịch xã, chúng tôi được biết, đường Long Hưng dài hơn 4,5km, rộng gần 5 mét, thi công từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng trị giá 3,6 tỉ đồng, được hoàn thành vào cuối tháng 10 vừa qua. Ngoài con đường Long Hưng, toàn xã hiện có 12 tuyến giao thông liên ấp với tổng chiều dài hơn 15km, kinh phí xây dựng hơn 2,8 tỉ đồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đóng góp 40%.
Là xã có bề dày truyền thống cách mạng, được cấp trên quan tâm đầu tư, thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của tỉnh, huyện, sự tập trung chỉ đạo, điều hành khắc phục khó khăn của tập thể Đảng bộ xã, Long Hưng những năm gần đây thực sự khởi sắc, tất cả số hộ trong toàn xã đều đã sử dụng điện cho sinh hoạt và sản xuất, các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã (chủ yếu ở các ngành xay xát, chế biến lương thực…) hoạt động liên tục, bảo đảm thực hiện tốt các nghĩa vụ với Nhà nước, 125 cơ sở thương mại, dịch vụ được tạo điều kiện phát triển kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho nhân dân trên địa bàn. Xã có một trường THCS, hai trường tiểu học và hai trường mẫu giáo với đội ngũ 80 thầy, cô giáo (đa số là người dân địa phương) và 1.211 học sinh… năm học vừa qua, 100% học sinh lớp 9 ở xã đều được xét tuyển tốt nghiệp lên lớp 10, với tỉ lệ khá, giỏi đạt trên 92%…
Cùng đi với phó chủ tịch xã Ngô Văn Nhỏ trên các con đường liên ấp quanh xã, rộng rãi, trật tự, thông thoáng, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm no, vui tươi, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt những người dân. Ở nhà anh Cao Hồng Hà (tổ 1, ấp Long Thạnh A), chúng tôi được anh dẫn đi tham quan khu vườn rộng 10.700m2, với những dãy cam dây xanh tốt, đang vào kỳ sinh trưởng mạnh. Anh Hà cho biết, khu vườn của anh hiện có hơn 700 gốc cam trên diện tích 7.000m2. Thời giá hiện tại của cam ở đây là 2.500 đồng/kg, nhưng khi vào vụ, giá của nó có thể lên đến 6.000 đồng/kg. Vụ năm rồi, anh thu hoạch được hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu. Anh Nhỏ còn thông tin với chúng tôi, ngoài nông sản chính là cam dây, mấy năm gần đây, với những kiến thức thu thập được từ các lớp khuyến nông do huyện và xã tổ chức, cùng với hàng chục hộ trong xã, anh Hà đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng. Trên diện tích 3.600m2 gần khu nhà ở, anh đã đầu tư trồng hơn 6.000 gốc mai kiểng, một loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có hơn 100 cây 10 năm tuổi. Qua giọng nói hào hứng của anh, chúng tôi biết, anh hy vọng rất nhiều vào vụ mai trong dịp Tết nguyên đán này…
Cố gắng vươn lên đổi mới trong cuộc sống, ngoài những hộ có đất vườn rộng như anh Hà, trong xã còn nhiều hộ diện tích đất ít, phải đi thuê, nhưng vẫn chuyên cần, chăm chỉ, lấy công làm… giàu. Đến thăm khu vườn trồng rau của anh Nguyễn Văn Thiệt (ở tổ 5, ấp Nam), chúng tôi được biết thêm mô hình canh tác mới của các hộ nông dân ở đây. Trên diện tích đất 4.500m2 thuê lại của hộ khác với giá 1,7 triệu đồng/năm, gia đình anh đầu tư thuê nhân công xẻ đất, lên liếp, gieo hạt trồng rau húng (loại rau thường dùng trong các quán phở, hủ tiếu…). Sự màu mỡ của thổ nhưỡng vùng này cùng với những kinh nghiệm chăm sóc, sau khoảng 50 ngày, gia đình anh thu hoạch được khoảng 5 tấn đợt 1.
“Nhằm thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, kết hợp với một số cơ quan, đơn vị bạn, chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa tại Đình Long Hưng vào tối 22-11. Sau lễ kỷ niệm là phần biểu diễn phục vụ của Đoàn Cải lương tỉnh Long An…” - chủ tịch xã Cao Văn Hiệp hồ hởi cho biết như vậy khi chúng tôi cùng ghé thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Anh Nguyễn Văn Cẩm, cán bộ Khu Di tích giới thiệu, Khu Di tích có diện tích 16.000m2, sau một năm thi công, được hoàn thành vào năm 2005, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 65 cuộc khởi nghĩa. Một khuôn viên rộng, thoáng mát, bố trí hợp lý các khu tưởng niệm, trưng bày hiện vật, di ảnh của các vị lãnh đạo cách mạng của tỉnh, huyện trong thời kỳ 1940 - 1945. Trong khu trưng bày, chúng tôi thực sự xúc động khi thấy có một lá cờ đỏ sao vàng đã bạc màu. Anh Cẩm cho biết đó là lá cờ lần đầu tiên xuất hiện trong thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa. Ở một góc trang trọng của khu trưng bày là một bức ảnh cỡ lớn, chụp phóng to tờ sắc lệnh số 163/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14 - 4 - 1948, ghi dòng chữ: Thưởng tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân Khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940, đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc.
Phía sau Khu Di tích là nghĩa trang Gò Me, cũng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Nơi đây, lịch sử đấu tranh của dân tộc đã chứng kiến sự hy sinh dũng cảm của 4 vị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa gồm: Lê Văn Qưới, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Văn Giác, Nguyễn Văn Ghè, đã cùng nhau tuẫn tiết để không lọt vào tay giặc… Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi gặp rất đông các bạn đoàn viên thanh niên và các cháu thiếu nhi của xã đang nhổ cỏ, trồng hoa, chăm sóc cây kiểng cho nghĩa trang, không khí lao động thật sôi nổi, tiếng cười rộn rã khắp nơi. Gương mặt còn lộ rõ sự xúc động, bạn Mai Thế Phong, tổng phụ trách đội của Trường THCS Long Hưng nói: “Mỗi lần đến đây, trong chúng em đều cảm nhận được bầu không khí thiêng liêng của Khu Di tích, càng tự hào với tinh thần xả thân, anh dũng hy sinh của các bậc cha ông, những mong đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho đất nước. Đất nước chúng ta đang khởi sắc, đi lên từng ngày trên con đường hội nhập và phát triển, ghi nhớ công lao của những người đi trước, thế hệ trẻ chúng em càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để chung tay, góp sức xây dựng xóm làng, xây dựng quê hương, xứng danh truyền thống của vùng đất Long Hưng anh hùng”.
Đâu đó vang lên giọng hò trong trẻo: Hò… ơ… Cha ông xưa đuổi đánh xâm lăng. Quê hương sạch bóng quân thù, bình yên. Xóm làng rộn khúc hoàn ca. Cùng nhau vun đắp… ờ… hò… ơ… Cùng nhau vun đắp xây quê nhà đẹp tươi”…
Bài, ảnh: VĂN DŨNG