Chiều 13-9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Không phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022.
Theo đó, năm 2022, mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải tiếp tục xử lý, những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra…
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quan tâm, đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 ít hơn nhiều so với năm 2021 nhưng số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%...
"Nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương không nhiều và không phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo", Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá.
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH |
Vẫn xảy ra những vụ việc khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực đất đai, môi trường
Tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình cho rằng, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 tiếp tục có những chuyển biến theo hướng tích cực, cơ bản đạt mức chỉ tiêu phấn đấu đề ra.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác này để có biện pháp khắc phục hiệu quả, đưa công tác tiếp công dân vào nền nếp, góp phần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ chỉ rõ “địa chỉ” những bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt để báo cáo Quốc hội xem xét, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu về những hạn chế, bất cập kéo dài trong công tác khiếu nại, tố cáo.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Khiếu nại năm 2022 vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai. Ảnh: VPQH |
Đáng chú ý, với những nội dung cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, đối với khiếu nại, về cơ cấu lĩnh vực cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm tỷ lệ 64,6%, không giảm so với năm 2021).
"Điều đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói và nhấn mạnh một giải pháp căn cơ là cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, sớm trình Quốc hội xem xét.
Cùng với đó, trong quá trình sửa đổi cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để các quy định của luật sau khi được Quốc hội ban hành thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến đất đai.
"Có như vậy mới khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực này", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, qua theo dõi, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thực tế tại một số địa phương trong năm 2022 đã xảy ra các vụ việc khiếu kiện có diễn biến phức tạp, đông người liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm để bảo đảm nhận định, đánh giá trong báo cáo về nội dung này sát thực với tình hình thực tế...
THẢO PHƯƠNG