Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2012-2015, thực hiện theo quyết định số 1489/2012/QĐ-TTg ngày 8-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ; giai đoạn 2016- 2020, thực hiện theo Quyết định số 1722/2016/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trong giai đoạn 2012 -2015, về cơ bản đạt mục tiêu giảm hộ nghèo theo Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ và Quyết định số 1489/2012/QĐ-TTg ngày 8-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm (giảm 706.849 hộ); trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân/năm tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 5,65%/năm (giảm 101.266 hộ), vượt chỉ tiêu Chương trình (chỉ tiêu 4%).

Giai đoạn 2016- 2018 (theo tiêu chí nghèo đa chiều), tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm 1.047.452 hộ, đạt mục tiêu (giảm 1% - 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm vượt mục tiêu (giảm 4%);các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu. Số hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm được 343.470 hộ, bình quân giảm từ 3-4% mỗi năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng thẳng thắn chỉ ra, kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn) không đạt mục tiêu Chương trình.

Đáng chú ý, một số vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chi phối và ảnh hưởng đến giảm nghèo bền vững chậm được giải quyết, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là vấn đề giao đất, giao rừng cho hộ dân tộc thiểu số: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng rất thấp, chiếm 11,5% số hộ dân tộc thiểu số; trung bình 2,13 ha/hộ (thấp hơn rất nhiều so với định mức khoán tối đa không quá 30 ha/hộ); chế độ, định mức khoán bảo vệ rừng thấp (400.000 đồng/ha/năm), người dân chưa thể sống bằng nghề rừng...

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao với báo cáo, cho rằng báo cáo đã phản ánh tổng quát, chân thực những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những kiến nghị và giải pháp đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng, báo cáo mới chỉ quan tâm đến ăn-mặc-ở, đến sinh kế của bà con chứ chưa quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa rất đa dạng của bà con. “Báo cáo mới chỉ nói về cái nghèo về vật chất, còn vấn đề tạo điều kiện quan tâm về tinh thần như thế nào cho đồng bào thì chưa có”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đó là “nỗ lực không thể phủ nhận”: Rất nhiều công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng; đến nay, đã có hơn 25.000 công trình hạ tầng được xây dựng, đa số các xã có đường ô tô liên thôn, có đường đến trung tâm xã. 88% thôn đã có đường cho xe cơ giới, 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn, 99% trung tâm xã và 88% thôn có điện.

Mặc dù khó khăn, tồn tại là có nhưng không lấy điều này để phủ nhận nỗ lực của việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đồng bào, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt nông thôn mới. Có bao nhiêu xã hay chưa có xã nào đạt nông thôn mới- Điều này phải xem để đánh giá đầy đủ hơn trong báo cáo.

Chủ tịch Quốc hội cũng quan tâm đến một tồn tại nêu trong báo cáo, đó là việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao, tỷ lệ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ tái nghèo còn cao, thu nhập đầu người còn thấp và chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhau. 10 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 45,7% đến 83,9%, cụ thể dân tộc: La Hủ: 83,9%, Mảng: 79,5%, Chứt: 75,3%, Ơ Đu: 66,3%, La Ha: 47,7%, Co: 65,7%, Khơ Mú:59,4%, Xinh Mun: 52,4%,  Kháng: 46,1%, Mông: 45,7%.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính sách sau này phải phân biệt rõ hơn, lựa chọn trong đồng bào dân tộc thiểu số những đồng bào nghèo nhiều phải được tập trung chính sách, để 3 năm nữa bà con vươn lên, không còn tỷ lệ nghèo cao như trên. “Cần đưa thêm vào nghị quyết thể hiện quan điểm này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát lần này sẽ là cơ sở để Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025. “Đề án này chú ý đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào, làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vượt qua phạm vi thôn bản của mình và tham gia vào tất cả các hoạt động của đời sống xã hội nhộn nhịp hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm. 

Nhấn mạnh đến những kết quả của chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi bộ mặt đời sống của đồng bào, song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ, với nhiều nguồn lực đầu tư song kỳ vọng về tính bền vững của kết quả này “chưa được như mong muốn”. 

Trong báo cáo nêu 5 khó khăn nhất của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ cơ bản kém nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. 

“Dù có nhiều chính sách hỗ trợ song có phải do chưa trúng, chưa đúng hay chưa quyết tâm mà đồng bào miền núi vẫn phải “gánh” 5 khó khăn nhất như vậy?”, Trưởng ban Dân nguyện băn khoăn.

Quan tâm đến nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần thu hút nguồn lực từ xã hội hóa cho khu vực miền núi và các vùng dân tộc thiểu số, nhất là về giáo dục và y tế. “Hiện nay các trường tư thục, bệnh viện tư thục được mở ở vùng đồng bằng, vùng phát triển rất nhiều do điều kiện tốt hơn, song cần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cần có những ưu đãi, cam kết để làm sao thu hút được đầu tư của tư nhân vào những vùng này. Nếu chỉ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước thì rất khó”, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị.

THẢO NGUYỄN