Ảnh minh hoạ: VOV

Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Hà Tĩnh đang dồn sức để giúp bà con nhân dân chống chọi với cơn lũ lịch sử. Cùng với việc triển khai lực lượng, phương tiện để cung cấp mì tôm, nước uống đến cho bà con, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề phòng ảnh hưởng của cơn bão Megi được cho là siêu bão đang diễn biến ngoài khơi.

Phóng viên đã phỏng vấn ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết diễn biến mới nhất về tình hình mưa lũ ở Hà Tĩnh hiện nay?

Ông Võ Kim Cự: Ở một vài nơi của Hà Tĩnh, lượng mưa giảm nhưng lũ lại rút chậm. Nơi cao điểm lũ vẫn ở mức báo động 2, báo động 3. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn phức tạp. Hiện nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới - bão xa nên ở Hà Tĩnh lại mưa. Nước sông lên to, cộng với nước sông còn lớn nên mực nước ở Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hồng Lĩnh nối với huyện Nghi Xuân, đã có 1 xe ôtô chở khách đi từ miền Nam ra Bắc lao xuống sông (do nước cao hơn đường gần 1m và đi vào ban đêm).

Bây giờ, Tư lệnh Quân khu 4 đã điều công binh cùng thiết bị của tỉnh, công an, biên phòng, giao thông vận tải đang tích cực tìm kiếm. Đây là điều đáng tiếc. Chúng tôi tập trung lực lượng công an khám nghiệm và y tế với thuốc, nhà thương...đã chuẩn bị chu đáo.

Trên tuyến đường 1A, đoạn qua Hà Tĩnh bị ngập 5 khúc ở thành phố, huyện Thạch Hà, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh, cũng có nơi nước giảm 30 đến 40 cm, có thể đi lại được nhưng loại xe 4 chỗ đi lại rất vất vả. 105 xã bị chia cắt ở vùng trên; vùng giữa – nếu muốn đến các trung tâm huyện, xã phải đi bằng xuồng máy, còn ôtô chưa đến được. Chúng tôi phải dùng xuồng máy, xe tải chở mì tôm, nước đến cấp cứu cho đồng bào không để đồng bào đói.

PV: Vậy thưa ông, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện như thế nào để có thể ứng cứu người dân một cách hiệu quả?

Ông Võ Kim Cự: Đến chiều 18/10, chúng tôi đã di dời được 18.350 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập.

Với tinh thần vừa để khắc phục tối đa, đề phòng mưa lũ vẫn kéo dài và bão xa rất có khả năng sẽ đổ bộ vào, Hà Tĩnh có điểm khác với các địa phương là trong vòng 12 ngày phải chịu 2 cơn lũ lớn chưa từng có trong lịch sử. Vì vậy, chúng tôi phải khắc phục cơn bão trước.

Hiện 178 xã ở 12 huyện, thị xã đang bị ngập ở vùng trung và trên sườn núi lại đề phòng bão sẽ từ biển vào, chúng tôi lại có 32 xã sát bờ biển và vùng phụ cận (60 xã) với vài chục vạn dân cộng 4 cửa lạch ra biển rất lớn.

Chúng tôi phải tập trung giữ nguyên đội hình 564 người bao gồm các chiến sĩ của bộ đội biên phòng, công an rời quân khu 4 hỗ trợ và lực lượng địa phương; Giữ lại tất cả 90 tàu thuyền lớn nhỏ để kiên trì trực bám và tiếp tục di dân khi có lệnh khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã chuyển xuống 100 tấn mì tôm và 45 tỷ đồng để đảm bảo an sinh và cứu đói cho những vùng này cùng cơ số thuốc.

Toàn bộ đội ngũ cán bộ cốt cán của tỉnh tập trung xuống tất cả các phường, xã, huy động cả hệ thống chính trị tại chỗ... huy động bảo vệ tài sản, nhất là tính mạng nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải đảm bảo an toàn cho hàng trăm hồ dập lớn nhỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hạ lưu. Trong thời điểm, nước ngập mênh mông trên 12 huyện, thành phố, thị xã, một vấn đề quan trọng chúng tôi phải đảm bảo là ứng cứu và quản lý con người, nhất là thường xuyên nhắc nhở người già, trẻ em để tránh rủi ro xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV