Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nêu câu hỏi: Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Cũng về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập tình trạng người dân về quê sau dịch dẫn đến thực trạng thiếu hụt lao động ở các vùng trọng điểm công nghiệp, cách nào để giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Người Lao động. 

Về thực tế đời sống khó khăn của các văn nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật do công việc gần như phải dừng hoàn toàn trong dịch, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác nhận, đây là đối tượng cần hỗ trợ. Đến nay, có gần 2.000 trường hợp rất khó khăn thì chính sách đã triển khai hỗ trợ được đến 1.900 người, số còn lại sẽ tiếp tục đốc thúc giải quyết chế độ.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề cập báo cáo giải trình các vấn đề cho phiên chất vấn, trong đó có giải pháp dành cho cả người lao động về quê, không trở lại thành phố và người lao động quay trở lại khu công nghiệp sau đại dịch.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động như: Việc làm, nơi ăn ở, chỗ gửi con cái và biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động bằng cách tiêm vắc xin.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng 3 kịch bản, theo đó, kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề, đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động, kịch bản khác là sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những chính sách hỗ trợ người lao động hầu hết là các chính sách mang tính tình thế, giải quyết tức thời để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng người lao động. Do đó có thể thấy những chính sách này được Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt.

Cho đến nay cơ bản các chính sách đi vào cuộc sống. Qua 3 nhóm chính sách vừa triển khai đến nay đã giải ngân khoảng 60 nghìn tỷ, hỗ trợ hơn 40 triệu lượt người và hơn 500 nghìn người sử dụng lao động. Về cơ bản, việc triển khai này là công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn.

* Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu sự tùy tiện trong kêu gọi quyên góp từ thiện, trong khi cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp không đúng mục đích. Việc này làm mất đi tính nhân văn của hoạt động từ thiện và lòng tin của nhà hảo tâm. Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm về vấn đề này và biện pháp ngăn chặn tình trạng này tái diễn cũng như đưa hoạt động từ thiện, kêu gọi quyên góp vào khuôn khổ?.

Dẫn Nghị định 64 năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm việc từ thiện, cứu trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Trong Nghị định 64, Bộ Tài chính là chủ thể thay mặt Nhà nước đứng ra tiếp nhận tiền thiện nguyện để cấp phát và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cũng là cơ quan đứng ra tiếp nhận và thực hiện các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quy định có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác huy động, nhưng lại không quy định cụ thể cách thức huy động, quyên góp thế nào, cấp phát ra sao. Về cơ bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các tổ chức, cá nhân đã tiếp nhận, ủng hộ người chịu ảnh hưởng bão lũ, dịch bệnh đến với người nhận.

“Nhưng vẫn còn chỗ này, chỗ kia. Theo tôi, làm thiện nguyện cần được khuyến khích nhưng trên có sở quy định, nguyên tắc pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm thời gian qua, trước những vụ việc lùm xùm liên quan đến từ thiện, Thủ tướng đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64. Thủ tướng đã ban hành Nghị định 93 ngày 27-10, trong đó quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm, đối với các hoạt động kêu gọi quyên góp.

“Từ 1-12 tới, sau khi Nghị định 93 có hiệu lực, chắc chắn hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nền nếp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết và khẳng định, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm đều phải xử lý theo pháp luật.

GIA KHÁNH