Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

leftcenterrightdel
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. 
leftcenterrightdel

Các đại biểu dự phiên họp. 

Về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân dân thành phố quy định... 

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu thực tế, vừa qua có trường hợp, một số công trình như xây dựng khách sạn mini quá tầng, không đúng quy định phòng cháy chữa cháy, lúc này người dân cũng chưa vào ở, thì trước mắt phải áp dụng biện pháp cắt điện, nước, buộc dừng thi công. Đây chính là áp dụng biện pháp hành chính. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn được giao thêm quyền này và chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố mới được áp dụng. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thống nhất với đề xuất của thành phố Hà Nội và cho rằng, nên cho phép thành phố Hà Nội trong điều kiện bất khả kháng được áp dụng biện pháp hành chính để thực hiện đúng quy hoạch phát triển Thủ đô.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, vấn đề này đang vướng mắc ở tên gọi, đây là biện pháp hành chính hay là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hay là biện pháp ngăn chặn để xử phạt vi phạm hành chính? "Nếu xử phạt thì đã có nhưng chưa hiệu quả, vấn đề là chúng ta ngăn chặn để không tiến hành nữa. Nhưng nếu là biện pháp hành chính thì sẽ mạnh hơn, không xử phạt nữa mà làm mạnh hơn và có lẽ đây mới là đặc thù của luật. Dùng biện pháp ngăn chặn để quản lý tốt hơn”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, hoàn chỉnh Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật.

HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.