Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời, tên tuổi đồng chí Trường Chinh gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí từng 3 lần trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ở những thời điểm quan trọng của Đảng và của đất nước.
1) Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân điên cuồng tấn công Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng và Cách mạng nước ta đứng trước những thử thách mới và yêu cầu mới.
Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ của Đảng họp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh) đã phân công đồng chí Trường Chinh là Quyền Tổng bí thư của Đảng, thay Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt ngày 17-1-1940.
Tháng 3-1941, Quyền Tổng bí thư Trường Chinh dẫn đầu BCHTƯ băng suối, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, lên biên giới gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 của BCHTƯ Đảng. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư của Đảng.
Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 đã được nhân dân và các đoàn thể, lực lượng nhanh chóng đón nhận, thực hiện. Sự phát triển vững chắc và mạnh mẽ của lực lượng chính trị tạo cho Đảng có điều kiện thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa, hình thành khu giải phóng, hội tụ đủ các yếu tố cho sự thắng lợi vĩ đại của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tạo ra bước ngoặt lịch sử của đất nước.
2) Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 11-11-1945, để tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Nhà nước cách mạng non trẻ của ta, nhằm đập tan mưu toan của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch và tay sai định tiêu diệt Đảng ta, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Thông cáo Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán. Thực ra Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, trên thực tế Đảng vẫn lãnh đạo cuộc kháng chiến về mọi mặt.
Được tích cực chuẩn bị từ sau chiến thắng Biên Giới, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh trình bày Luận cương về cách mạng Việt Nam, nêu rõ toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với tầm nhìn bao quát, tư duy chính trị sắc bén, đồng chí Trường Chinh đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Điều đó định hướng cho những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại hội đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh là chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh là Tổng bí thư của Đảng Lao động Việt Nam.
3) Năm 1982, trước những khủng hoảng về kinh tế-xã hội ở nước ta, đồng chí Trường Chinh là một trong những người tiên phong tìm tòi cho Đảng, cho dân tộc con đường đổi mới. Các quan điểm đổi mới của đồng chí Trường Chinh trình bày tại Hội nghị lần thứ 6, 7, 8, 9, 10 của BCHTƯ (từ năm 1984 đến 1986), dần được khẳng định và đưa vào các nghị quyết của Đảng, tạo cơ sở ban đầu cho xây dựng đường lối đổi mới của Đảng ở Đại hội toàn quốc lần thứ VI. Chính vì vậy, khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời (10-7-1986), trong phiên họp đặc biệt, ngày 14-7-1986, BCHTƯ Đảng đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư của Đảng, mặc dù tuổi đồng chí đã cao.
Trong thời điểm khó khăn của Đảng và dân tộc, nhận rõ trách nhiệm trước sự chờ đợi của toàn Đảng, toàn dân, đồng chí Trường Chinh đã làm hết sức mình để chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội của Đổi mới.
Đường lối đổi mới toàn diện đã đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta và khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI đề ra mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người “khởi xướng công cuộc đổi mới”(1).
NGÔ VƯƠNG ANH
-------------------------------------------------
1. Đỗ Mười-một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, H 2002, tr.26.