Tại phiên thảo luận ngày 30-10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể tách rời câu chuyện phòng, chống dịch Covid-19, không chỉ 5 năm mà còn có thể lâu dài hơn.

Để cơ cấu lại nền kinh tế, cần có đánh giá kỹ tác động của dịch bệnh đối với mọi mặt đời sống xã hội, đánh giá một cách toàn diện, kể cả việc Chính phủ cần có chiến lược dài hạn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cần tiên lượng và dự báo sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp, từ điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh, phải nhìn nhận một sự thật khách quan về những khó khăn của quốc tế và khu vực đã phát sinh trong thời gian vừa qua.

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của dịch Covid-19 với những dự báo mới nhất về biến thể Delta và Delta Plus, cập nhật tình hình về khả năng lây lan dịch bệnh ở một số quốc gia, trong đó có cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao.

Đồng thời, đánh giá thực chất về năng lực y tế, kể cả dự kiến tăng cường trong tương lai, gắn với độ che phủ vắc xin tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bình thường và sống chung với dịch bệnh.

"Cần tiên lượng và dự báo sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam kể cả khi chúng ta có chính sách tiêm chủng mũi vắc xin tăng cường và dự kiến độ che phủ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em trong độ tuổi quy định", đại biểu nói. 

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: VPQH

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị quan tâm vấn đề tình hình khủng hoảng năng lượng, giá xăng dầu, thép, phân bón, vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian vừa qua hay vấn đề chuyển dịch lao động ra khỏi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung các khu công nghiệp sau đại dịch lần thứ 4….

Từ đó, đại biểu kiến nghị cần đặc biệt tập trung xây dựng các nhóm chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường chính sách an sinh xã hội cho người lao động…

Ưu tiên đầu tư cho sản xuất sinh phẩm, vắc xin phòng, chống Covid-19 trong nước

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) thì đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cao năng lực cho ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để thích nghi an toàn với dịch Covid-19.

“Phải nói rằng, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã dạy cho chúng ta nhiều bài học đắt giá và chỉ cho chúng ta nhiều điểm hạn chế yếu kém mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận để có hướng khắc phục và thích nghi phù hợp”, đại biểu phân tích.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên phân bổ nguồn lực để đầu tư cho ngành y tế trong việc sản xuất sinh phẩm vắc xin và trang thiết bị liên quan phục vụ điều trị Covid-19.

Việc này sẽ hạn chế được tình trạng hiện nay chúng ta vẫn phải nhập nhiều thứ cần thiết để phục vụ cho phòng và điều trị Covid-19, như các loại kit test nhanh, máy thở hay vắc xin…

 Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu từ điểm cầu tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần đầu tư mỗi địa phương có ít nhất một bệnh viện tuyến tỉnh, một phòng bệnh viện tuyến huyện đủ trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở cấp độ cao nhất.

“Có như thế mới có thể thích nghi an toàn với dịch Covid-19 vốn được dự báo là loại dịch phổ biến và sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới”, đại biểu phân tích.

Đánh giá đúng thị trường lao động, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt

Cũng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh là câu chuyện về thị trường lao động trong tái cơ cấu nền kinh tế.  

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) hoan nghênh và đánh giá cao sự điều hành quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ để lập lại trật tự, kỷ cương trong phòng, chống dịch bệnh đúng theo tinh thần quan điểm của Đảng, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta thấy gì, nghĩ gì khi dòng người cuồn cuộn về quê thời gian vừa qua? Phải chăng cơ cấu kinh tế còn bất cập, phát triển đô thị tập trung, thiếu liên kết và sự trục trặc trong kết nối giữa nông thôn và đô thị, chất lượng đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý?”.

Theo đại biểu, đây là những vấn đề cần được quan tâm, làm rõ. Bởi lẽ, dòng người đó phần lớn là nông dân rút khỏi lao động nông nghiệp để làm công nhân, là lao động tự do, thiếu việc làm, tha phương cầu thực.

Đại biểu Trần Văn Sáu phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VPQH 

Từ đó, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đúng, đầy đủ về thị trường lao động, có chính sách đầu tư hợp lý để phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp để tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân, lực lượng dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường.

“Tất nhiên, lao động, việc làm không thể chia đều theo vùng miền nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt”, đại biểu Trần Văn Sáu nói.

THẢO NGUYÊN