Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội chiều 29-10, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đại biểu Quốc hội Đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần làm rõ tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của giai đoạn trước và khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém của giai đoạn vừa qua, đồng thời, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn của giai đoạn sắp tới.
Đại tướng Lương Cường đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
 |
Đại tướng Lương Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 29-10. Ảnh: VPQH |
Phải giữ được những vùng đất “bờ xôi ruộng mật”
Đại tướng Lương Cường quan tâm đến phương pháp lập quy hoạch được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “ba ranh giới”, “bốn khu vực” nêu trong báo cáo của Chính phủ.
“Ba ranh giới” gồm: Ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ, ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo chế thị trường.
“Bốn khu vực” gồm: Khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
|
Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, đây là những phương pháp, nguyên tắc rất đúng về cách tiếp cận song cũng lưu ý một số điểm.
Theo đó, cần có tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho từng ranh giới, mỗi khu vực để thuận tiện cho quá trình thực hiện sau này và có cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát, khắc phục được những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm hiện nay.
Đại tướng Lương Cường cũng đề cập đến việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa hai vụ trong Phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ tới.
Đại tướng Lương Cường nhắc đến những vùng đất “bờ xôi ruộng mật” đã có từ hàng trăm năm, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, được chuyển đổi sang phát triển hạ tầng, đô thị, dịch vụ…
“Nước ta là đất nước nông nghiệp. Nhất là, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực, phải giữ được đất trồng lúa”, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh.
Theo số liệu, hiện nay có khoảng hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa – theo Đại tướng Lương Cường - có thể chuyển đổi nhưng “vẫn phải giữ được con số này”.
“Ví dụ, vùng đất mặn ở Bến Tre không thể trồng lúa thì có thể chuyển sang nuôi tôm. Sau này khi công nghệ tốt hơn, có thể xử lý được độ mặn của đất thì người dân vẫn có cơ hội để quay lại trồng lúa được khi cần”, Đại tướng Lương Cường dẫn chứng và đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này.
Công khai, minh bạch thông tin để tránh tiêu cực trong việc “đón” quy hoạch
Đại tướng Lương Cường cũng rất quan tâm đến đất rừng phòng hộ, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 ổn định ở mức 42%, bảo đảm yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Nhắc đến hậu quả từ biến đối khí hậu với những trận lũ quét, lũ ống...thời gian qua, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, việc bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng cần song hành với bảo đảm chất lượng của rừng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá về việc giảm diện tích rừng như hiện nay.
Xung quanh phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, Đại tướng Lương Cường cho biết cơ bản thống nhất về các chỉ tiêu về đất lúa, đất lâm nghiệp, đất khu công nghiệp, đất quốc phòng, đất an ninh.
Đại tướng Lương Cường cho rằng, cùng với phương án quy hoạch cần chú trọng công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch để chống tùy tiện, tư duy nhiệm kỳ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, theo Đại tướng Lương Cường, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách trong thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, khi có quy hoạch rồi thì công tác thông tin, tuyên truyền phải công khai, minh bạch, tránh tiêu cực trong việc “đón” quy hoạch.
Kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đôi diện tích đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật”
Thảo luận tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều nay, 29-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng tốt. Quá trình xây dựng quy hoạch đã tiếp cận phương pháp mới, sử dụng một số kỹ thuật hiện đại, được tính toán trên cơ sở sát thực hơn đối với tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật”. Ảnh: VPQH |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa “bờ xôi ruộng mật”.
Theo đó, trong các vấn đề lớn của quy hoạch, quan trọng nhất là giữ ổn định đất trồng lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa có nguyên tắc vừa linh hoạt, dựa vào những điều kiện, đặc điểm của từng vùng, địa chất từng nơi.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ cần có báo cáo giải trình làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến quy hoạch đất công nghiệp; rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và tập trung cho việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai...
|
HƯNG THẢO