Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự phiên họp.

Tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước, giao cho quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang: Công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước, giao cho quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Tuấn Huy

Ngày 19-5-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (viết gọn là Pháp lệnh); quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

"Tuy nhiên, đến nay Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Do đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Cụ thể, Đại tướng Phan Văn Giang nhắc đến một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ;… Những bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Mặt khác, do Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

"Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Đại tướng Phan Văn Giang nói. 

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng nêu rõ, về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo luật bảo đảm phù hợp, thống nhất và không trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan. Các nội dung trong dự án luật sẽ không thay thế các luật hiện hành mà sẽ bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật; việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan không trái với quy định của luật này.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp. 

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban này cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

"Việc ban hành luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả", Chủ nhiệm Lê Tấn Tới khẳng định. 

Hồ sơ dự thảo luật, theo đánh giá của Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, đã cơ bản đầy đủ theo đúng quy định; nhiều tài liệu nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Nội dung của dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách, gồm:

Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

THẢO NGUYÊN