Điều 9 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen là nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Nên có hình thức khen thưởng là thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại phiên họp tổ, đại biểu đã phát biểu về hình thức khen thưởng là thư khen của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Đại biểu dẫn chứng ở các nước, học sinh cũng được lãnh đạo, tổng thống, thủ tướng gửi thư khen kịp thời khi có thành tích xuất sắc.

"Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam rất cần hình thức này, nếu bản thân tôi hay con cháu của tôi có thành tích xuất sắc, nhận được thư khen quả thực rất tuyệt vời, bởi nếu vậy các cháu sẽ phấn đấu làm tốt hơn và không cần phải làm hồ sơ thi đua khen thưởng gì cả", đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất tại Quốc hội, nếu như trong kỳ họp này mà đại biểu Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì "rất tuyệt vời”.

“Đó là khi trong một kỳ họp mà đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Quốc hội nhìn nhận”, đại biểu dẫn giải và nhấn mạnh, việc đại biểu Quốc hội nhận được một thư khen thì đại biểu đó sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành thời gian, công sức hơn cho công việc của mình.

"Và chỉ cần một thư khen thôi, không cần thưởng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói rõ thêm về đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm hình thức thư khen trong Điều 9 của dự thảo luật.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Nên có hình thức khen thưởng là thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo đã lý giải hình thức thư khen là hợp lý nhưng cần chờ đánh giá tác động, có thể bổ sung vào nhiệm kỳ sau.

Đại biểu cho rằng, nên làm luôn vì điều này phù hợp và "động viên mà không tốn kém gì cả, chỉ một chữ ký của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…". Đại biểu bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi nhiều thư khen hơn cho các cá nhân có thành tích nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua.

Đồng tình với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, thư khen của các đồng chí lãnh đạo là hết sức cao quý, là sự động viên rất lớn và rất mong muốn được đưa vào trong luật này.

Bổ sung trách nhiệm nhân rộng điển hình tiên tiến

Ở góc độ khác, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) quan tâm đến việc nhân rộng điển hình tiên tiến. Theo đại biểu, Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng có một điểm rất quan trọng: Đó là phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ cả 4 khâu gồm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến.

 Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) quan tâm đến việc nhân rộng điển hình tiên tiến. 

Đại biểu cho rằng, dự thảo đã thể chế được 3 khâu trên rất rõ, nhưng còn khâu nhân điển hình tiên tiến thì chưa được thể hiện rõ.

“Chúng ta biết rằng, trách nhiệm nhân rộng điển hình tiên tiến là trách nhiệm của các chủ thể phát động thi đua. Đơn vị nào phát động thi đua thì phải có trách nhiệm nhân rộng điển hình tiên tiến”, đại biểu lý giải đề nghị bổ sung trách nhiệm này vào trong dự thảo luật nhằm bảo đảm thể chế đầy đủ Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị.

THẢO PHƯƠNG