Cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm đạt 6,5-7%. Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6-6,5%. Cùng với đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ kích thích tăng trưởng thêm khoảng 2%.
Trong khi đó, tăng trưởng năm 2021 chỉ đạt 2,91% (báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy thực tế tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,58%).
“Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra, cộng thêm phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8%; đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh đây là thách thức rất lớn của nền kinh tế.
 |
Chủ tịch Quốc hội: Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Ảnh: VPQH |
Ngoài ra, việc hấp thụ vốn của nền kinh tế là nội dung mà Chủ tịch Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Theo Chủ tịch Quốc hội, chi ngân sách rất khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp: Đầu tư công cả năm 2021 đạt hơn 70%, riêng vốn đầu tư nước ngoài (ODA) chỉ đạt 32,85%. Đáng chú ý, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có trị giá hơn 340.000 tỷ đồng nhưng đến nay "chưa phân bổ được đồng nào", trong khi gói này chỉ có giá trị trong năm nay và năm 2023…
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc đến việc mua thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Quốc hội đã đồng ý cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, thế nhưng lại xuất hiện tình trạng: Một số nơi không dám mua, trong khi có nơi lại mua sai… "Tình trạng này diễn ra ở cả việc mua thuốc thông thường”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh “trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế mà “có tiền không tiêu được”, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục… còn “thể chế thì không vướng gì nữa cả”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán, làm rõ nguyên nhân của những tình trạng này.
"Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn. Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát tại địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội, cho Chính phủ về vấn đề này.
 |
Quang cảnh phiên họp tổ 12. Ảnh: VPQH |
Làm tốt công tác dự báo về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đánh giá, năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta đã có chiến lược phù hợp trong từng điều kiện cụ thể.
Theo đó, khi chưa có vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện khoanh vùng, dập dịch; khi đã đạt độ phủ vắc xin thì chuyển sang thích an an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế-xã hội...
 |
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Làm tốt công tác dự báo về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. |
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục làm tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó, không có cơ hội để lôi kéo nhân dân vào các âm mưu, thủ đoạn này.
"Thời gian tới, cần làm tốt công tác dự báo về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, để có giải pháp, phương án phù hợp, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.
THẢO PHƯƠNG