Cần thiết sửa đổi Luật Công chứng

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh sự cần thiết ban hành dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như: Số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.

Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan. 

leftcenterrightdel

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Bên cạnh kết quả đã đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp.  

Có nên giới hạn các giao dịch được công chứng điện tử?

Đáng chú ý, Khoản 1 Điều 63 của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có quy định về công chứng điện tử.

Đại diện cơ quan thẩm tra về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế.

Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến về phạm vi công chứng điện tử.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; nêu giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người để có cơ sở thực hiện theo lộ trình…

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người nên việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý, trước mắt chỉ nên áp dụng ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không nên áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định...

Đề xuất công chứng viên hành nghề đến 70 tuổi

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi.

ANH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.