Phát biểu tổng kết và bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, văn hóa có vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Năm 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương Văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết Hội thảo Văn hóa 2022.

Đảng, Nhà nước ta trong suốt chiều dài lịch sử đều hết sức coi trọng và nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của văn hóa. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển toàn diện con người, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

“Một trong các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, chính sách khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào chấn hưng và phát triển văn hóa trong thời gian tới, cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa theo đường lối, chủ trương của Đảng ta mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Đó là lý do hội thảo chọn chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. “Điều quan trọng là phải xác định việc phải làm về thể chế, chính sách, nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu, yêu cầu về chấn hưng, phát triển văn hóa, sao cho văn hóa xứng đáng ngang hàng với chính trị và kinh tế như mong muốn của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hội thảo đã nhất trí đánh giá những kết quả rất quan trọng đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế, ban hành các chính sách và huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Đồng thời cũng chỉ rõ những điểm còn tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết.

Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế. Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.

Cùng với đó, phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Việc hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Thể chế quản lý nhà nước về văn hóa phải được đổi mới đồng bộ với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng hợp từ các tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Đó là chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật. Phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Về giải pháp, hội thảo đã thống nhất triển khai 7 nhóm giải pháp. Đó là cần sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa, tập trung vào 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại hội thảo. Rà soát các nội dung về văn hóa trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa. Có kế hoạch và chương trình cụ thể để đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG