Ngày 21-12, tiếp tục Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.

Nhiều kiến nghị của cử tri

Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri đánh giá cao và đồng tình với những đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cách thức tổ chức kỳ họp. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch linh hoạt, khoa học, tạo được không khí sôi nổi, cởi mở nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc.

Ngoài ra, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cũng nhắc đến nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Cử tri đề nghị có giải pháp tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân sau đại dịch Covid-19; ban hành quy định và hướng dẫn phòng, chống dịch khi cho học sinh trở lại trường…”, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nêu rõ.

Cùng với đó, cử tri cũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo.

Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19…

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bổ sung thêm các nội dung liên quan phòng, chống dịch Covid-19 trình kỳ họp bất thường của Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần nghiên cứu từng bước chuẩn hóa bố cục báo cáo hằng tháng và làm sao phản án tính thời sự của thông tin, nhất là các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, báo cáo đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và thích ứng linh hoạt, an toàn, phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cần rà soát, tổng hợp nhiều nội dung mà dư luận, cử tri hiện nay rất quan tâm để bổ sung vào báo cáo.

Đó là, tình trạng hàng nghìn người mắc Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đang điều trị tại nhà chưa được được giải quyết chế độ bảo hiểm chì vì yêu cầu phải có giấy xin nghỉ ốm. Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng thì bối cảnh này liệu có nhất thiết phải xin giấy nghỉ ốm không; trong khi rất nhiều người có kinh tế khó khăn nhưng không thanh toán bảo hiểm được kịp thời, gây bức xúc.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng nhắc đến tình trạng người lao động phải nộp tiền xét nghiệm cao, thậm chí có người phải bỏ tiền túi đến 4,5 triệu đồng - gần hết cả tháng lương cho việc xét nghiệm Covid-19. Việc này, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, cần công khai thông tin, minh bạch trong giải quyết.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành Báo cáo của Ban Dân nguyện và những ý kiến thảo luận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá công tác dân nguyện có nhiều đổi mới và đạt kết quả rõ rệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tới đây Quốc hội có thêm Kỳ họp bất thường, Ban Dân nguyện nên có Báo cáo chung về tình hình, trong đó Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc có các kênh, hình thức phù hợp để chủ động nắm bắt, theo dõi ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước.

Đặc biệt là một số vấn đề đang nổi lên như thiệt hại bão lũ ở miền Trung, cách khắc phục khó khăn, giải quyết sinh kế cho người dân; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; vấn đề công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Phát biểu kết luận nội dung cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó lưu ý một số vấn đề như: Tiếp tục đôn đốc trả lời kiến nghị cử tri; kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, trả lời đơn thư, đánh giá so với nhiệm kỳ trước; bổ sung vào báo cáo một số vấn đề nổi bật liên quan đến thanh toán bảo hiểm cho người mắc Covid-19; giá xét nghiệm; rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài…trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới.

THỦY PHƯƠNG