Sáng 10-12, tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Để xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước

Báo cáo về dự thảo Nghị quyết nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết. Theo đó, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Đồng thời, TP Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.

Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, phát triển kinh tế của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của Vùng....

Đồng thời, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần có những cơ chế ưu đãi để kích hoạt tiêu thụ nông sản ở TP Cần Thơ

Tuy nhiên, tại phiên họp, một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù; phù hợp với Nghị quyết 59; song chưa có bước đột phá; một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Theo dự thảo nghị quyết, TP Cần Thơ được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi về: Mức dư nợ vay; phí, lệ phí; quản lý đất đai; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ quan tâm đến khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có ưu đãi cao hơn để thu hút nhà đầu tư vào khu vực này, nhất là trong lĩnh vực nông sản.

“Nên chăng có một số cơ chế ưu đãi về tiền thuê đất, thuế suất, nhất là mức thuế thu nhập ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có những cơ chế ưu đãi để kích hoạt tiêu thụ nông sản ở TP Cần Thơ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng mối quan tâm, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, Vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước; kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp 2 theo quy hoạch tại Cần Thơ; chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng.

Cùng với đó, tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng chưa cao, nhất là trái cây. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Đặc biệt, theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Vùng không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp…

Từ những phân tích trên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần có mức ưu đãi đặc biệt cho trung tâm liên kết này, để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập.

HẰNG PHƯƠNG