QĐND - Vừa chuyển đến đơn vị mới, tôi đã được thưởng thức món tương Bần, quà của gia đình một đồng đội quê Hưng Yên gửi lên. Nghe tiếng món ăn này đã lâu, nhưng nay tôi mới được tận hưởng hương vị ngọt ngào của nó. Với chúng tôi, món tương Bần này còn là niềm yêu thương từ hậu phương gửi gắm đến những người chiến sĩ.

Vừa thưởng thức tương Bần, tôi vừa được đồng đội chia sẻ về một vùng quê, nơi sản sinh ra món "đặc sản" đã trở thành thương hiệu ấy. Thị trấn Bần Yên Nhân thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, có nghề làm tương truyền thống, với thương hiệu tương Bần. Tương Bần được làm từ gạo nếp, đỗ tương, muối tinh lọc. Gạo nếp được ngâm trong vài giờ, sau đó để ráo nước, rồi thổi thành cơm, để nguội, đem ủ ở nhiệt độ 30-35oC (nếu là mùa đông), còn mùa hè chỉ cần đổ cơm lên mẹt, sao cho lên hơi nóng là được. Sau một đêm, cơm lên hơi, tự nó sẽ sinh ra mốc (hoa) vàng. Khi mốc vàng lên đều, cơm được ngâm vào nước lã (nước mưa là tốt nhất) quấy đều với muối, tạo thành một khối hồ đặc sệt.

Đỗ tương sau khi rang được nghiền thành bột, không nên nghiền kỹ quá, rồi ngâm nước lã 7 ngày, 7 đêm. Sau đó, cơm và nước đỗ tương được đổ lẫn vào nhau, mỗi buổi sáng tinh mơ quấy đều, rồi đem phơi (ngả) dưới trời nắng to. Sau 5 ngày phơi nắng, món tương ấy sẽ trở nên vàng óng, đậm đà hương vị thơm ngon, bổ dưỡng và càng ngon hơn khi kho với cá, cà dầm, hoặc ăn với rau muống luộc. 

Nghề làm tương ở thị trấn Bần Yên Nhân giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá. Đặc biệt, tương Bần còn khiến cho mỗi người con nơi đây khi xa quê luôn nhớ mãi hương vị đặc trưng của vùng đất đã sinh ra mình và không khỏi tự hào giới thiệu món ăn với đồng chí, đồng đội.

HÀ THIỆN HÙNG