Trải qua 65 năm xây dựng, trưởng thành, Bảo tàng LSQS Việt Nam từng bước phát triển cả về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, làm tốt vai trò của một thiết chế văn hóa, một bộ phận quan trọng trong bộ máy tổ chức hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội ta.

Sau hơn 3 năm tiến hành xây dựng, trưng bày, ngày 21-12-1959, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, bảo tàng chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Tới duyệt nội dung trưng bày bảo tàng trước khi mở cửa đón khách tham quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “BTQĐ là một cuốn sử sống có tác dụng rất to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. BTQĐ còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Vì vậy bảo tàng phải tạo điều kiện tốt nhất để cho khách đến tham quan”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội duyệt nội dung trưng bày Bảo tàng Quân đội, ngày 12-12-1959. Ảnh tư liệu 

Sau ngày khai trương, Ban Xây dựng BTQĐ chuyển thành Phòng BTQĐ, sau đó là Viện BTQĐ vào ngày 15-5-1964. Đây là những bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của BTQĐ. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt. Tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Viện BTQĐ có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thời chiến. Công tác trưng bày tuyên truyền tập trung vào các cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động về các địa phương. Nhiều cán bộ viện trực tiếp dấn thân vào cuộc chiến, theo sát bộ đội trên các chiến trường để sưu tầm hiện vật, có đồng chí anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như liệt sĩ Dương Quang Chính. Hàng vạn hiện vật được sơ tán lên vùng Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tây (cũ)... Trong điều kiện khó khăn, dù ở trong hang đá ẩm thấp hay dưới nhà kho nửa chìm, nửa nổi, hiện vật vẫn được bảo quản chu đáo, không để mất mát, hư hỏng. Trong 10 năm, từ năm 1965-1975, bảo tàng đã phục vụ gần 2 triệu lượt khách trong và ngoài nước, thuộc hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ của Viện BTQĐ được mở rộng với việc vừa duy trì các hoạt động ở miền Bắc, vừa phải tiếp nhận, xây dựng cơ sở ở phía Nam. Các khâu công tác nghiệp vụ đều có những tiến bộ. Địa bàn hoạt động mở rộng khắp cả nước, sang cả Lào, Campuchia; các đoàn đi sưu tầm hiện vật, kịp thời bổ sung những hiện vật trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), nhiệm vụ của bảo tàng một lần nữa được mở rộng với việc thành lập Phân viện Điện Biên Phủ trên cơ sở tiếp nhận Khu di tích Điện Biên Phủ (1987) và sáp nhập Xưởng Mỹ thuật Quân đội vào bảo tàng (1988). Tháng 7-1994, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Viện BTQĐ là bảo tàng cấp quốc gia. Cơ cấu tổ chức của viện được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới. Tháng 12-2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1155/2002/QĐ-TTg đổi tên Viện BTQĐ thành Bảo tàng LSQS Việt Nam.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, hơn 10 năm qua, bảo tàng đã sưu tầm gần 1 vạn hiện vật, trong đó có hơn 2.000 cổ vật; đồng thời, triển khai Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”. Cuộc vận động đã thu được kết quả tốt đẹp với hơn 10.000 hiện vật được tiếp nhận trong 3 năm (2008-2010). Đặc biệt, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 hiện vật của bảo tàng là Bảo vật Quốc gia.

Từ năm 2014, Bảo tàng LSQS Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong phối hợp nghiên cứu xây dựng phần mềm bảo tàng điện tử 3D. Năm 2017, bảo tàng hoàn thành lắp đặt phần mềm tham quan bảo tàng điện tử tương tác 3D tại 4 điểm đảo: Côn Đảo, Phú Quốc, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn. Tiếp nối kết quả đó, từ năm 2019-2021, Bảo tàng LSQS Việt Nam tiếp tục xây dựng phần mềm tham quan 3D Di tích rừng Trần Hưng Đạo, Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bàn giao cho các địa phương quản lý và phát huy giá trị.

Từ năm 2019, Bảo tàng LSQS Việt Nam tham gia trưng bày trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) diễn ra tại Liên bang Nga. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, QĐND Việt Nam ra thế giới. Không gian trưng bày về Việt Nam luôn thu hút đông đảo du khách và quân nhân các nước tới tham quan, để lại nhiều ấn tượng đặc sắc trong lòng bạn bè thế giới.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 27-4-2019, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Quyết định số 649/QĐ-TM về biểu tổ chức, biên chế Bảo tàng LSQS Việt Nam. Cơ cấu các phòng, ban được tổ chức lại theo hướng chuyên môn hóa. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là những thách thức lớn lao đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Bảo tàng LSQS Việt Nam. Hoạt động của bảo tàng từ đây được chuyên môn hóa, mở rộng về phạm vi nội dung và ngày càng chuyên nghiệp.

Kể từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng LSQS Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, xây dựng truyền thống “Đoàn kết, chủ động, kiên trì, sáng tạo”. Trong giai đoạn tiếp theo, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động của bảo tàng xác định, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm viết tiếp truyền thống 65 năm vẻ vang, xây dựng Bảo tàng LSQS Việt Nam là một trong những thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia.

Thượng tá, Ths LÊ VŨ HUY (*)

(*) Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.