 |
Tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách ở xã Thành Sơn.
|
Thời kỳ chống Pháp, rồi chống Mỹ ác liệt là thế, gian khổ là vậy, nhưng người dân xã Thành Sơn (huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) vẫn quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ đánh giặc đến ngày toàn thắng. Hôm nay, trở lại Thành Sơn, chúng tôi thấy mảnh đất vốn nghèo xơ xác này đã có sự đổi thay.
Hồi mới giải phóng, cả xã không một ngôi nhà xây kiên cố, đường đi chỉ là những lối mòn, cây cối rậm rạp, đèn dầu cũng hiếm nói gì đến điện. Phá rừng, đốt nương làm rẫy là nghề mưu sinh chính của đồng bào các dân tộc trong xã. Cái đói, cái rét cứ níu kéo người dân Thành Sơn năm này qua năm khác. Đói nghèo là vậy, nhưng cái bụng của người Thành Sơn rất rộng, cái đầu lại rất cứng. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thành Sơn là cơ sở cách mạng của tỉnh Khánh Hòa. Thành Sơn lúc đó như cái túi hứng bom đạn của kẻ thù. Nhưng đồng bào các dân tộc Thành Sơn vẫn kiên cường bám trụ, bám đất, theo Đảng đến cùng.
Những năm đầu sau giải phóng, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhưng Thành Sơn vẫn không sao vươn lên được do nhiều tập tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Cũng như các xã miền núi khác của địa phương, tỉnh đã phân công một số cơ quan, doanh nghiệp giúp Thành Sơn xóa đói, giảm nghèo. Lúc đầu chưa xác định được hướng đi phù hợp nên tiền vào Thành Sơn như “gió vào nhà trống”. Mỗi dịp lễ, Tết, tỉnh hỗ trợ tiền, hàng, có doanh nghiệp tặng cả bò để giúp bà con phát triển sản xuất. Nhưng rồi tiền, bò cũng chuyển thành rượu, thịt. Sản xuất không lên được và người dân cứ nghèo mãi.
Những năm sau này, tỉnh thay đổi cách giúp đỡ “cho cái cần câu, chứ không cho con cá” như trước. Tỉnh, huyện tập trung giúp xã chuyển đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm, chấm dứt tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy. Toàn xã có gần 400 hộ với hơn 2.000 khẩu, trong đó hơn 80% là đồng bào Raglai. Số hộ trong xã được phân ra từng loại cụ thể. Gia đình nghèo được hỗ trợ vốn sản xuất; gia đình chưa có nhà hoặc nhà tạm được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng nhà ở. Toàn xã đã được qui hoạch lại, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ phát rẫy, làm nương sang trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng và chăm sóc rừng. Kinh tế vườn rừng, vườn đồi là thế mạnh của Thành Sơn từng bước được hình thành và phát triển. Nhiều mô hình chăn nuôi bò, trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng rừng kinh tế phát triển. Để giúp Thành Sơn chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, tỉnh, huyện tập trung đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện thắp sáng, trường học, trạm xá, bưu điện văn hóa xã …
Hôm nay đến Thành Sơn không còn cảnh đèn dầu leo lét như ngày mới giải phóng, thay vào đó là những ánh điện lung linh trong mỗi căn nhà của người dân. Bây giờ, nhà xây không còn là chuyện hiếm ở Thành Sơn. Trạm xá, trường học, bưu điện văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng khang trang, đường giao thông được mở rộng trải nhựa phẳng lỳ về đến tận trung tâm xã. Điều này đã giúp cho Thành Sơn thay đổi nếp nghĩ và tập quán canh tác lạc hậu bấy lâu nay. Bây giờ đồng bào các dân tộc trong xã ốm đau, sinh đẻ đã biết đến trạm xá, nhà hộ sinh, không còn cúng bái, cầu giàng như trước. Con em các dân tộc đã được đi học, tham gia công tác xã hội. Kiến thức người dân được mở mang nhiều đã giúp cho việc tiếp thu khoa học, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.
Thành Sơn bây giờ không còn độc canh cây lúa nương hay cây ngô như trước mà đã từng bước đa dạng hóa cây trồng cho năng suất và hiệu quả cao. Trong vườn của nhiều hộ gia đình đã có thêm các loại cây, như: Chôm chôm, sầu riêng, bưởi, mía tím… Đó là những loại cây mới được du nhập từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng cũ ở địa phương. Số hộ đói, nghèo giảm hơn một nửa; số hộ giàu ngày càng tăng. Nhờ biết kết hợp chăn nuôi với làm kinh tế vườn rừng, đời sống của các hộ dân trong xã được cải thiện rõ rệt.
Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm giải phóng quê hương, cấp ủy, chính quyền xã Thành Sơn lại tổ chức cho bà con các dân tộc trong xã ôn lại những truyền thống anh hùng, một thời gian khó nhưng oanh liệt của chiến khu xưa.
Bài và ảnh: Trang Nhung