QĐND - Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 314, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đóng quân trải dài trên địa bàn 8 xã biên giới đặc biệt khó khăn của 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần (Hà Giang). Những năm qua, thực hiện Dự án di giãn, sắp xếp ổn định dân cư, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
Xã hội hóa các nguồn lực
Sự có mặt của chúng tôi dường như khiến phòng khách của Đoàn KT-QP 314 thêm chật chội. Đại tá Trần Đình Nhất, Chính ủy Đoàn KT-QP 314 vui mừng giới thiệu với các thành viên trong đoàn công tác về những người dân ở thôn mới Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, đến đơn vị từ rất sớm. Họ tới đây và mang theo những lồng gà xương đen, củ cải trắng. Bà con gọi đó là chút quà thu hoạch từ sản phẩm tăng gia để cảm ơn bộ đội Đoàn KT-QP 314 đã giúp họ di chuyển đến nơi ở mới. Ông Hầu Seo Giáo, 72 tuổi, bắt chặt tay chúng tôi, xúc động:
- Thôn tôi cách đây 40km, đi xe máy mất 2 giờ. Ngày xưa đói ăn triền miên, nhưng từ năm 2011, bộ đội giúp chuyển tới nơi ở mới, có nhà xây to, đẹp, chắc chắn, công trình vệ sinh khép kín; điện, nước đầy đủ, mọi người chỉ chuyên tâm làm ăn nên đã có lúa, ngô để dành.
 |
Cán bộ Đoàn KT-QP 314 hướng dẫn người dân thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà phương pháp trồng và chăm sóc rau xanh. |
Nghe ông Giáo nói, chúng tôi không khỏi thắc mắc, với 30 triệu đồng/nhà của Dự án di giãn, sắp xếp ổn định dân cư do Bộ Quốc phòng cấp, bằng cách nào mà đơn vị lại xây dựng được nhà cho dân ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển, trong khi vật liệu xây dựng như gạch, cát, sỏi tại đây có giá rất cao. Ví như 1m3 cát ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần là 200.000 đồng nhưng khi vận chuyển tới xã Pà Vầy Sủ, giá lên tới 1,1 triệu đồng… Giải thích với chúng tôi về điều này, anh Nhất, cho biết:
- Chúng tôi đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Xín Mần và huyện Hoàng Su Phì huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện. Kết quả đạt được chính là thể hiện sức mạnh của khối đoàn kết quân dân.
Theo anh Nhất, đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai dự án, bảo đảm phù hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh; gắn kết các dự án của địa phương với dự án của đơn vị. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu cho chính quyền địa phương huy động các cơ quan, đoàn thể của huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn cùng vào cuộc. Chính từ sự phối hợp chặt chẽ, tham mưu đúng, trúng nên Đoàn KT-QP 314 đã huy động được nhiều nguồn lực trong đầu tư xây dựng nhà của dân trong vùng dự án. Kết quả, chưa tính công giúp đỡ của bộ đội và các lực lượng, số tiền đầu tư vào từng ngôi nhà đạt gần 80 triệu đồng.
Quy trình chặt chẽ
Chúng tôi tới thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà, nơi Đoàn KT-QP 314 và huyện Xín Mần đang triển khai thực hiện Dự án đối với 10 hộ gia đình. Đại úy Dương Thế Hùng, Đội trưởng Đội xây dựng cho chúng tôi xem danh sách các hộ và các thủ tục liên quan mà Đội xây dựng và UBND xã Chí Cà đã tiến hành trong thời gian qua, như: Đơn tự nguyện bố trí ổn định dân cư của các hộ gia đình, danh sách trích ngang, biên bản thẩm tra địa bàn vùng dự án, biên bản họp thôn… Tất cả các buổi họp thôn đều có sự tham dự của ông Hạng Văn Dụng, Chủ tịch UBND xã Chí Cà. Các ý kiến của người dân được ghi chép cẩn thận, làm cơ sở để đơn vị và chính quyền địa phương nghiên cứu, giải quyết. Chẳng hạn như, trong buổi họp thôn Hậu Cấu ngày 2-8-2013, ý kiến của ông Sùng Quán Lìn đã được ghi trong văn bản: “Ai cũng muốn ra nơi ở mới, nhưng chỉ tiêu của bộ đội là có 10 hộ, nên thôn ta phải ưu tiên cho gia đình ông Sùng Seo Phùng, có 6 khẩu, đang gặp khó khăn…”.
Chuyện ở thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà được Đại tá Hoàng Sao Khuê, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 314, giải thích:
- Việc sinh hoạt bình xét đối tượng thực hiện dự án được tiến hành chặt chẽ từ cấp thôn, bản, trong đó có ưu tiên đối với những hộ ở trong khu vực sạt lở nguy hiểm, nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, có nhu cầu tách hộ, hộ nghèo; thiếu đất sản xuất, đất canh tác. Để bảo đảm công khai, dân chủ, tất cả các buổi sinh hoạt, bình xét của từng thôn đều do cán bộ UBND xã trực tiếp chủ trì.
Quy trình xét duyệt này được Đoàn KT-QP 314 và huyện Xín Mần, huyện Hoàng Su Phì tiến hành từ năm 2011. Khi thực hiện dự án, ngoài lực lượng giúp dân làm nhà và các công trình dân sinh, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể của huyện và người dân trong thôn, bản còn có trách nhiệm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, chủ trương dự án, giám sát công trình, quản lý vật liệu…
Dự án gắn với phong trào
Ở một số vùng biên giới, những năm trước đây, cấp ủy, chính quyền địa phương làm nhà cho dân di chuyển ra thôn, bản mới nhưng bà con chỉ ở đó một thời gian rất ngắn rồi lại trở về nơi cũ. Nguyên nhân là khi về nơi ở mới, bà con thiếu đất sản xuất, chăn nuôi; thiếu điện sinh hoạt, đường sá đi lại khó khăn. Thấy rõ nguyên nhân trên, nên trong triển khai thực hiện dự án, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KT-QP 314 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai đồng bộ. Tại khu di dân do đơn vị kết hợp với huyện Xín Mần thực hiện, 100% hộ dân ở đây đều có điện thắp sáng; công trình vệ sinh đi kèm, hệ thống nước được dẫn về tận nhà. Cùng với đó, mỗi gia đình còn có gần 500m2 để đất sản xuất. Thôn có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ các sinh hoạt chung của nhân dân và hệ thống đường cấp phối đi lại thuận tiện.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Đoàn KT-QP 314 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức xây nhà, làm các công trình dân sinh di giãn 50 hộ dân ở các thôn, bản về nơi ở mới bảo đảm đúng tiến độ, phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Mô hình trong phối hợp thực hiện dự án của Đoàn KT-QP 314 đang được các cấp chính quyền ở Hà Giang tổng kết, nhân rộng.
|
Cùng với việc quan tâm, đầu tư xây nhà ở và các công trình phục vụ dân sinh, trong thực hiện dự án, Đoàn KT-QP 314 còn kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn và từng bước bàn giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, qua nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tập trung hướng dẫn bà con hướng vào việc nuôi gà xương đen, trồng đậu tương, lạc, ngô... Đơn vị còn chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các sản phẩm; hoặc vận động doanh nghiệp đầu tư giống, vốn cùng bà con phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nói về hiệu quả trong thực hiện dự án, đồng chí Vương Văn Phong, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Xín Mần, cho biết:
- Nhờ sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 314, nên đời sống của nhân dân không những thay đổi từng ngày, mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng rất ổn định. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện không còn người dân di dịch cư tự do. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 72% (năm 2011) xuống còn gần 50% (năm 2013).
Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG