Tham dự hoạt động ý nghĩa này có gần 200 đại biểu, trong đó có nhiều tướng lĩnh, anh hùng, cựu chiến binh, thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch lịch sử cách đây 50 năm.

Trước khi chương trình chính thức bắt đầu, Ban tổ chức công chiếu những thước phim tài liệu quý về “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không và các tiết mục văn nghệ tái hiện lại một thời chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và nhân dân Hà Nội những ngày cuối tháng 12-1972. Thông qua đó, một lần nữa nhân dân Hà Nội nói chung và quận Ba Đình nói riêng được sống lại không khí hào hùng của những ngày kiên cường, dũng cảm chiến đấu với “siêu pháo đài bay” B-52 của đế quốc Mỹ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng tại chương trình. 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh các nhân vật điển hình, nhân chứng lịch sử tiêu biểu của địa phương đã tham gia chiến đấu 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đồng thời cho biết, sau chương trình ngày hôm nay, từ ngày 18-12-2022, tại quận Ba Đình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động, như: Tổ chức triển lãm ảnh, phim tư liệu với chủ đề “50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - quận Ba Đình viết tiếp trang sử vàng”; Liên hoan nghệ thuật quần chúng "50 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca lịch sử"; Hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; tổ chức giáo dục truyền thống cho thanh niên, học sinh tham quan bảo tàng, di tích lịch sử. “Những chia sẻ của các nhân chứng tham dự giao lưu, chính là minh chứng sống động khẳng định giá trị to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Ba Đình, Thủ đô Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam”, đồng chí Tạ Nam Chiến nói.

leftcenterrightdel
Đồng chí Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình phát biểu tại chương trình.

Là một trong những khách mời tham gia giao lưu, Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Chắt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363 - đơn vị bắn rơi máy bay B-52 chưa kịp cắt bom tại Hồ Hữu Tiệp đã kể lại quá trình đánh B-52 của đơn vị. Ông cho biết: “Hôm ấy, đang chiến đấu ở Hải Phòng thì chúng tôi nhận nhiệm vụ thu hồi khí tài hành quân về chốt tại trận địa Đại Chu, Yên Phong (Bắc Ninh). Sau nhiều trận hợp đồng tác chiến diệt máy bay địch, đêm 27-12-1972, Tiểu đoàn báo cáo cấp trên xin được đánh đường bay độc lập. Được Sở chỉ huy nhất trí, tôi lệnh cho anh em chuẩn bị vũ khí, khí tài sẵn sàng tác chiến. Kíp chiến đấu hôm đó có tôi là Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy và 4 trắc thủ đảm nhiệm các vị trí. Khi bắt được tín hiệu nhiễu của B-52, chúng tôi đã quyết định bắn ngay khi nó chưa kịp ném bom xuống Hà Nội”.

leftcenterrightdel
 Các nhân chứng tham gia giao lưu, chia sẻ kỷ niệm của mình trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972.

Cũng là nhân chứng tham gia giao lưu, ông Trần Văn Tường, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Quận ủy Ba Đình cho biết, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông đang là cảnh sát khu vực khối 65 khu phố Ba Đình (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình). Ngay sau khi máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, ông đã nhanh chóng, tích cực tham gia cùng các lực lượng khắc phục hậu quả của trận đánh. Nhớ lại thời khắc đó, ông Tường tự hào tâm sự, mặc dù khi ấy không ít gia đình ở làng Ngọc Hà có người bị thương, qua đời hay có những thiệt hại về tài sản, nhưng tất cả đều đồng lòng, động viên nhau vượt qua khó khăn tiếp tục cùng bộ đội Phòng không-Không quân chiến đấu bảo vệ vùng trời Thủ đô.

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã dành nhiều phần quà ý nghĩa tặng Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 đã bắn rơi B-52 đêm 27-12; Ban liên lạc truyền thống của Tiểu đoàn và các đồng chí cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tin, ảnh: BÍCH TRANG