Người thì cho rằng, bằng cấp dẫu nhiều, dẫu sang, nhưng liệu rằng người nhiều bằng cấp có giải quyết được việc khó khi cần, hay đơn giản là có đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm? Tình trạng chạy theo bằng cấp ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi, biểu hiện dưới nhiều hình thức. 

Quả thực, với xu hướng của một xã hội học tập như hiện nay, không khó để mỗi người tự trang bị cho mình các loại bằng cấp, nhưng giá trị của tấm bằng còn nhiều chuyện đáng bàn. Không ít trường hợp được du học tốn kém tiền tỷ, học xong, tấm bằng quốc tế như tấm thẻ thông hành mở ra tương lai rộng lớn, cộng thêm mối quan hệ của gia đình và nghiễm nhiên được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước theo dạng “thu hút nhân tài”. Nhưng một thời gian sau, vì “ngồi nhầm chỗ” nên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ có nhiều bằng cấp "danh giá" nhưng kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở mức thấp và rất thấp. 

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: LEO 

Học tập là nhu cầu tự thân của mỗi người, là quá trình không ngừng, không nghỉ, không có điểm kết thúc, đó cũng là ý nghĩa câu danh ngôn mang tính chân lý của Lênin “Học, học nữa, học mãi”. Học tập nói chung, không phải chỉ ở trên trường lớp, mà rộng lớn hơn là học ở trường đời, trong cuộc sống, trong công việc, học hỏi từ đồng chí, đồng nghiệp và học từ những người thầy nhân dân. 

Đích đến cuối cùng của việc học tập là để làm giàu thêm tri thức, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng công tác và mục đích cao cả của học tập là để tiến bộ, chứ không phải để tiến thân. Danh ngôn có câu rằng “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Hay nói cách khác, không phải cứ có bằng cấp sáng láng là cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu công việc và được khoác lên mình tấm áo mới về danh phận, địa vị. Dù học cao, hiểu rộng bao nhiêu, thì đáp án cuối cùng vẫn phải là có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh thêm, với rất nhiều tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn về bằng cấp trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, sắp xếp vị trí việc làm đến quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như hiện nay, vô hình trung bằng cấp trở thành “chiếc còng” trói buộc cán bộ. “Bằng cấp, bao nhiêu cho đủ” là câu hỏi phiếm chỉ của nhiều người khi nó trở thành gánh nặng, buộc cán bộ phải gồng mình chạy theo để miễn sao đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, còn chất lượng học tập, trình độ chuyên môn, kiến thức tích lũy được ra sao lại là câu chuyện khác. 

ĐÔNG HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.