Đón nhận nỗi đau khi chứng kiến những câu chuyện kỷ luật cán bộ, nhiều người sẽ càng thêm thấm thía ý nghĩa lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Việc phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình thật khổ tâm, đau xót, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Cũng qua đó, người dân càng thấu hiểu, sẻ chia trước nỗi niềm, mà đúng hơn là nỗi đau của người đứng đầu Đảng ta, khi buộc phải xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên thuộc quyền.

Thực tế cho thấy, mỗi lần xử lý cán bộ cấp cao của Đảng đều mang đến nỗi đau chung đối với nhiều người, mà trước hết là các đồng chí lãnh đạo Trung ương-những người trực tiếp xem xét, quyết định mức độ, tính chất, hình thức kỷ luật đối với chính đồng chí của mình. Chắc chắn, họ sẽ vô cùng trăn trở, day dứt, gánh chịu những dằn vặt mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Nỗi đau lớn hơn là của chính cán bộ bị xử lý. Không phải cán bộ nào bị xử lý kỷ luật đều hư hỏng, suy thoái trong thời gian dài hoặc cả quá trình, mà hầu hết là từng có những nỗ lực vượt bậc, giành kết quả, thậm chí là đạt thành tựu rất đáng ghi nhận... Thế nên, khi cán bộ bị xử lý, đối mặt với “sụp đổ” của sự nghiệp chính trị, phán xét của dư luận thì bản thân sẽ chạm ngưỡng nỗi đau tột cùng! Trong khi đó, gia đình và người thân của cán bộ bị xử lý cũng gánh chịu nhiều tác động tư tưởng, tâm lý từ áp lực truyền thông và dư luận xã hội, khi mà thông tin phủ đầy lên đời sống xã hội với vô số lời phê phán, công kích, dị nghị...

Còn nữa là nỗi đau ở cơ quan, tổ chức, địa phương của cán bộ bị xử lý. Chắc chắn, sẽ không ai vui vẻ gì khi chứng kiến đồng chí, đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình bị kỷ luật, truy tố, kết án... Hơn thế, uy tín, vị thế của cơ quan, đơn vị cũng vì đó mà chịu ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Nói như vậy để thấy, khi cán bộ bị xử lý thì nỗi đau sẽ đồng thời đến với nhiều người; thậm chí là với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thế nhưng, dù đau đến mấy, chúng ta vẫn kiên định quan điểm nhất quán của Đảng là xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với các sai phạm của cán bộ, đảng viên... Mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên phải chấp nhận nỗi đau ấy như thể buộc phải cắt bỏ "khối ung nhọt đã di căn" trong cơ thể chính mình; dù đau đớn vô cùng, nhưng nếu không cắt bỏ, thải loại thì tất yếu sẽ nguy hại đến tính mạng, tức sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Cách thức tốt nhất hiện nay để ngăn chặn nỗi đau mà cán bộ gây ra là phải chủ động phòng ngừa những sai phạm, khuyết điểm thông qua các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát... Mỗi cán bộ phải biết gìn giữ liêm sỉ và luôn khắc nhớ: Việc mình làm thì mình chịu đã đành, nhưng nỗi đau mình gây ra thì không thể tự gánh vác hết được. Nếu bản thân làm sai, để sai, rơi vào tiêu cực, suy thoái... thì tất yếu nỗi đau sẽ thấm, ngấm, lan rộng đến nhiều người và toàn xã hội, mà trước hết là những người thân thiết, gần gũi nhất. Từng người phải thấu rõ điều đó để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện; không biến mình thành ung nhọt, gây ra nỗi đau cho tổ chức, đồng chí, đồng bào!

NGUYỄN TẤN TUÂN