Hiệu quả rõ nhất từ việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý là giúp các cơ quan, đơn vị giảm đầu mối, giảm con người và tiết kiệm ngân sách chi trả lương; cán bộ được rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác. Hơn thế, khi kiêm nhiệm, ở một vài vị trí còn có sự tương đồng chức năng, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện...

Chẳng hạn, ban dân vận là cơ quan tham mưu cho cấp ủy đảng, còn ủy ban MTTQ là cơ quan tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của cấp ủy về công tác tập hợp, vận động quần chúng. Hai cơ quan có những điểm tương đồng, do vậy, khi thực hiện, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ sẽ có thuận lợi là vừa tham mưu cho cấp ủy đảng hoạch định chủ trương, chính sách công tác dân vận, vừa chỉ đạo tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách dân vận của Đảng.

Tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), đồng chí Ngô Bá Nghiệp đảm nhiệm đồng thời hai chức danh Trưởng ban Dân vận Huyện ủy và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện từ tháng 4-2020. Bằng nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao, ngành dân vận và MTTQ huyện do anh phụ trách đã có nhiều đổi mới, phối hợp nhịp nhàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đến tháng 1-2023, đồng chí được Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định thôi phân công giữ chức Trưởng ban Dân vận Huyện ủy.

leftcenterrightdel

Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn, buôn kết nghĩa. Ảnh: DUY TIẾN 

Thế nhưng, qua thực tiễn công tác, anh Nghiệp cũng thẳng thắn cho rằng, vì cùng lúc phải kiêm nhiệm hai vai, trực tiếp lãnh đạo, quản lý hai cơ quan và nhiều mảng công tác nên phải làm việc với nỗ lực và cường độ gấp đôi. Cũng bởi vậy, có những nội dung dù rất tâm huyết nhưng chưa thể triển khai vì không sắp xếp được thời gian xây dựng mô hình, theo dõi và nhân rộng; có những ý tưởng khá sáng tạo nhưng cũng khó thực hiện vì "cái khó bó cái khôn".

Thực tế trên cho thấy, việc nhất thể hóa chức danh chỉ giảm được một biên chế nhưng công việc tăng nặng thêm rất nhiều, tập trung vào người đứng đầu, do đó, gây áp lực về trách nhiệm, thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, một người giữ 2 chức vụ lãnh đạo ở 2 cơ quan khác nhau, trong trường hợp nếu các hội nghị trùng nhau và yêu cầu người đứng đầu tham dự thì không có cán bộ đi họp hoặc cán bộ phải tham gia họp rất nhiều, không còn thời gian đi cơ sở nắm tình hình, trong khi công tác dân vận và Mặt trận rất cần phải đi cơ sở...

Công việc và trách nhiệm tăng gấp đôi nhưng cán bộ đảm nhận đồng thời hai chức danh không có thêm phụ cấp kiêm nhiệm. Nếu người cán bộ không đủ tâm và tầm trên mọi mặt công tác thì rất dễ nảy sinh tâm lý làm việc nửa vời và nguy cơ cao là ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ trong các lĩnh vực phụ trách.

Chính vì vậy, việc tiếp tục thực hiện các mô hình thí điểm hay không, thực hiện như thế nào cho đạt hiệu quả thiết thực... đòi hỏi cơ quan chức năng phải vào cuộc nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để có chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp. Không thể vì mục tiêu tinh giản biên chế mà sáp nhập, cộng gộp tổ chức một cách cơ học, hoặc giao khoán cho cán bộ thực hiện kiêm nghiệm cùng lúc nhiều cương vị công tác.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU