Tìm hướng sinh hoạt đảng phù hợp

Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác xây dựng tổ chức đảng ở DN FDI là tạo sự đồng thuận của chủ DN. Theo đồng chí Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiều chủ DN FDI chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng nên chưa đồng thuận. Đây cũng là lý do giải thích vì sao mặc dù Vĩnh Phúc có tới hơn 460 dự án FDI đang hoạt động với hàng trăm nghìn lao động nhưng hiện nay mới có 9 DN FDI thành lập được tổ chức đảng; tỷ lệ tổ chức đảng, đảng viên trên tổng số DN, người lao động trong DN ngoài nhà nước, nhất là DN FDI còn rất thấp.

Khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt, cần chú trọng phát huy vai trò, phân công người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan có ảnh hưởng đến DN trực tiếp làm việc, vận động, thuyết phục chủ DN hiểu để tạo sự đồng thuận.

Tổ chức đảng trong Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC1) hoạt động tích cực góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân VPIC1 trong ca sản xuất. Ảnh: TUẤN HÙNG  

Tại các DN FDI có tổ chức đảng, vấn đề làm thế nào để duy trì sinh hoạt đảng vừa đúng quy định, nguyên tắc, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực đang đặt ra bức thiết. Đảng bộ Công ty Cổ phần Prime Group có 10 chi bộ, gần 280 đảng viên.

Theo đồng chí Trần Phi Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, chuyên viên Ban Nguồn lực-Nhân sự Công ty Cổ phần Prime Group, vì hầu hết chi bộ đều do những đồng chí giám đốc, phó giám đốc các công ty thành viên làm bí thư nên việc sinh hoạt chi bộ khá thuận lợi, được tổ chức kết hợp trước khi họp chuyên môn vào đầu giờ làm việc buổi sáng hay cuối giờ làm việc buổi chiều.

Tương tự, tại một số chi bộ, như Chi bộ Công ty TNHH Compal Việt Nam, do được chủ DN quan tâm, tạo điều kiện, hơn nữa số lượng đảng viên cũng chưa nhiều nên chi bộ có thể tranh thủ sinh hoạt trong giờ hành chính... Thế nhưng, những trường hợp này không nhiều và phụ thuộc vào thiện chí của chủ DN.

Nhìn chung, việc sinh hoạt đảng tại các DN FDI hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn; DN không có chế độ cho đảng viên nghỉ để sinh hoạt, học tập nghị quyết (phải nghỉ phép hoặc nghỉ không lương) nên chủ yếu phải sinh hoạt tập trung ngoài giờ hành chính, trong khi đảng viên làm ca kíp, bận công việc gia đình... dẫn tới tình trạng vắng mặt, chất lượng sinh hoạt không cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức đảng trong các DN FDI được sinh hoạt trực tuyến một cách phù hợp thì sẽ có thể từng bước giải quyết được tình trạng này. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 27-12-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ có đông đảng viên, thì tổ chức đảng trong các DN FDI chưa được phép thực hiện (trừ trường hợp có hơn một nửa số đảng viên sinh sống, làm việc phân tán trên địa bàn rộng, gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau hoặc ở nước ngoài...). Nên chăng, cần nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp, không loại trừ cả hình thức sinh hoạt trực tuyến để giúp các tổ chức đảng trong DN FDI gỡ “điểm nghẽn”, nâng cao chất lượng hoạt động...

Vào Đảng để làm gì?

 Đó là câu nói của không ít người lao động trong DN FDI khi chúng tôi hỏi về nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Điều này phản ánh thực tế một bộ phận người lao động trong các DN nhận thức chưa đầy đủ, chưa thiết tha vào Đảng, cho rằng vào Đảng “chỉ tốn tiền đóng đảng phí mà không để làm gì”, việc tạo nguồn phát triển đảng ở nhiều DN vì thế còn gặp khó khăn. Vậy nhưng, tại Chi bộ Công ty TNHH Compal Việt Nam, chỉ sau hơn 7 tháng thành lập đã bồi dưỡng đối tượng đảng cho 42 quần chúng là người lao động trong công ty, kết nạp được 17 đảng viên bảo đảm chất lượng.

Chia sẻ kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Anh Quý, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Compal Việt Nam cho biết, chi bộ đã tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, từ gặp gỡ riêng đến thông qua cha mẹ, người thân là đảng viên, cựu chiến binh... Việc tuyên truyền phải đạt được mục tiêu không chỉ để người lao động hiểu rằng vào Đảng là nhằm góp phần thực hiện lý tưởng cách mạng, để rèn luyện, trưởng thành, để được cống hiến, đóng góp cho tập thể DN mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân. Bởi khi trở thành đảng viên, ý thức tự giác, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và vai trò của người lao động sẽ được nâng cao, tạo thuận lợi hơn trong công việc, đồng thời vị trí việc làm trong DN của người lao động cũng sẽ được bảo đảm tốt hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao quyết định kết nạp cho các đảng viên mới thuộc Chi bộ Công ty TNHH Compal Việt Nam. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Bên cạnh việc nhận thức của một bộ phận người lao động về Đảng còn hạn chế, công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong DN FDI ở Vĩnh Phúc còn gặp những khó khăn, vướng mắc khác.

Điển hình như một vấn đề khiến nhiều đảng viên trong DN băn khoăn là mức đóng đảng phí khi sinh hoạt ở chi bộ đảng trong DN cao hơn nhiều so với khi sinh hoạt ở nơi cư trú, nhất là với khu vực nông thôn. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng cũng như việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên từ nơi cư trú về DN để đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng.

Cùng với đó, hiện nay, do kinh phí rất eo hẹp nên hoạt động của các tổ chức đảng trong nhiều DN còn hạn chế, chưa tạo sức thu hút và tầm ảnh hưởng; Trung ương cũng chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ đối với các chi bộ sinh hoạt ghép ở DN khiến khó khăn trong tổ chức thực hiện...

Những vướng mắc, bất cập nói trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, làm cho vị trí, vai trò của một số tổ chức đảng, đảng viên trong DN bị mờ đi, thậm chí bị “chìm”-không phát huy được vai trò, không kết nạp được đảng viên mới.

Đồng chí Nguyễn Bá Huy cho biết, để khắc phục tình trạng này, tỉnh đề nghị Trung ương nghiên cứu điều chỉnh mức đóng đảng phí đối với đảng viên là người lao động trong các DN bằng mức đóng đảng phí ở nơi cư trú, nhằm bảo đảm công bằng và tạo thuận lợi khi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đang sinh hoạt ở nơi cư trú về tổ chức đảng trong DN; có cơ chế hỗ trợ đối với cấp ủy chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong các DN ngoài nhà nước nói chung, DN FDI nói riêng.

Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành khung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ sinh hoạt ghép trong DN để tạo điều kiện chuyển sinh hoạt đảng đối với đảng viên là người lao động trong các DN đang sinh hoạt đảng ở nơi cư trú về các chi bộ ghép phù hợp.

Sớm tháo gỡ những khó khăn chung

Những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng tổ chức đảng ở DN FDI tại Vĩnh Phúc cũng là khó khăn chung của hầu hết các địa phương trên cả nước. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Viết Cường, Phó vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên, đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng, chất lượng đảng viên mới trong các DN FDI đã có sự chuyển biến.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong DN FDI còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa có tổ chức đảng, đảng viên; một số nơi vai trò của tổ chức đảng còn hạn chế; một bộ phận đảng viên chưa phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu; một số quy định cũng chưa phù hợp với tính chất hoạt động của các DN...

Ngày 27-12-2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW. Theo đó, Ban Bí thư giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc quyết định việc lựa chọn các đảng bộ cơ sở, chi bộ được thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc trong tổ chức, sinh hoạt đảng; thực hiện chặt chẽ, đúng phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, nội dung, cách thức; tránh hình thức, lạm dụng, làm giảm chất lượng sinh hoạt đảng; đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Hướng dẫn 03-HD/TW có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 30-6-2025. Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Bí thư tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương thí điểm này.

Cũng theo đồng chí Trần Viết Cường, một số vấn đề như mức đóng đảng phí đối với đảng viên là người lao động trong các DN; cơ chế hỗ trợ đối với cấp ủy chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong các DN; quy định về chức năng, nhiệm vụ của các chi bộ sinh hoạt ghép... cũng đã được Trung ương tổng kết, đánh giá, đưa vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu trong thời gian phù hợp theo Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 17-8-2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW...

Mong rằng, những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn sẽ sớm được giải quyết, tạo thuận lợi cho công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong DN ngoài nhà nước nói chung, DN FDI nói riêng.

“Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong Đảng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ công tác Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.

(Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025)

 (Tiếp theo và hết)

TRUNG KIÊN - TRỊNH KHA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.