Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” khẳng định, đội ngũ trí thức “là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh minh họa: tapchicongsan.org.vn 

Đối sánh với những quan niệm mới nhất về văn hóa và tri thức của triết học liên văn hóa (the intercultural philosophy)-hướng đi tất yếu của nhân loại trong thời toàn cầu hóa, càng thấy quan điểm của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

1. Thế giới hôm nay quan niệm trí thức văn nghệ sĩ-những chủ thể sáng tạo, là tài sản văn hóa đặc biệt, thể hiện ở hai lý do.

Thứ nhất, họ là chủ nhân của những tác phẩm văn hóa-những yếu tố cơ sở cấu thành nên một nền văn hóa. Điều ấy hoàn toàn đúng với thực tế nước ta. Ngoài văn học dân gian thì các tác phẩm văn hóa bác học như bài thơ "Thần" (tương truyền của Lý Thường Kiệt), "Hịch tướng sĩ" (Trần Quốc Tuấn), "Bình Ngô đại cáo" (Nguyễn Trãi), "Truyện Kiều" (Nguyễn Du), thơ Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh... đã góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam giàu có, đậm đà bản sắc.

Giả sử không có các tác giả này, nền văn hóa Việt Nam sẽ ra sao? Chắc là sẽ nghèo nàn, thiếu đa dạng, thiếu phong phú... Văn hóa là gương mặt tinh thần của dân tộc, ở nhiều ngôn ngữ khái niệm “diện mạo văn hóa” đồng nghĩa với “diện mạo dân tộc”. Ở thời toàn cầu hóa, nhiều nước có thể “chung” về kinh tế (các khối kinh tế), công nghệ có thể chuyển giao... nhưng văn hóa là tài sản riêng làm nên “căn cước” dân tộc. Do vậy, văn hóa là “sứ giả” tin cậy nhất trong cuộc đối thoại toàn cầu. Không ngẫu nhiên nhiều nước cử các nhà văn hóa kiêm luôn nhà ngoại giao.

Thứ hai, xét đến cùng sứ mệnh cao cả nhất của các nhà văn hóa là kiến tạo những nhân cách văn hóa, tức con người. Văn hóa nào con người nấy. Con người là gương mặt tinh thần, là “thước đo” của nền văn hóa. Nhìn vào con người sẽ thấy “trình độ văn hóa” của một dân tộc. Con người Việt Nam là sản phẩm sinh động của văn hóa Việt Nam. Nhờ được nuôi dưỡng bởi vẻ đẹp văn chương, nghệ thuật, trong tâm hồn mỗi người Việt sẽ kết tinh, lắng đọng và nở hoa tình yêu thương con người, tinh thần yêu nước, chí anh hùng, tinh thần tự chủ, tự quyết...

Thế giới đánh giá cao Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chỗ không chỉ là người đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam từ trạng thái mất nước, nô lệ thành một nước tự do, dân chủ mà còn là ở phương diện văn hóa-cũng chính Người đã kiến tạo nên một hệ hình mỹ học mới-nền mỹ học cách mạng tiên tiến, hiện đại. Là một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhà giáo dục vĩ đại, Hồ Chí Minh đã kiến tạo nên cả một thế hệ nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hơn, những học trò gần gũi của Người đều là những tên tuổi kiệt xuất: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh...

Thế giới coi thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa cũng là một cách đề cao “tài sản văn hóa” là các trí thức văn nghệ sĩ. Họ không chỉ truyền đạt tri thức khoa học xã hội-nhân văn mà còn bồi dưỡng cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho con người. Nhất là ở thời đại ngày nay khoa học phát triển như vũ bão, công nghệ có thể làm thay, làm giỏi hơn con người, giáo dục thế giới đang kêu gọi phải chú ý sâu sắc việc giáo dục tinh thần, tâm hồn để “làm cân bằng” đời sống đang có nguy cơ bị “máy móc hóa”, “số hóa”. Chỉ văn học, nghệ thuật mới có thể làm được điều đó. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “văn hóa còn thì dân tộc còn” cũng là một cách gián tiếp đề cao vai trò cực kỳ quan trọng của các chủ thể sáng tạo văn hóa.

2. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đã đồng hành với dân tộc, vừa là người lính cầm súng vừa là nghệ sĩ cầm bút đã viết nên hàng ngàn tác phẩm động viên, cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân tô thắm những trang sử vẻ vang của thời đại. Không chỉ là hành trang tinh thần của người lính, những thành tựu ấy là sự mã hóa lương tâm, lương tri của lịch sử, sẽ là tài sản văn hóa vô giá cho thế hệ mai sau.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, như những tế bào máu, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ lan tỏa khắp cơ thể Tổ quốc, ở mọi vùng, mọi miền, mọi ngành... để sáng tạo nên những tác phẩm mới, đậm đà giá trị văn hóa-nhân văn, như một cách tiếp thêm sức sống mỹ học cho đất nước đang trên đường vươn tới sự cường thịnh, tươi đẹp. Văn học, nghệ thuật đã thực sự là món ăn tinh thần bổ ích cho xã hội, là tiếng nói, là hơi thở, là niềm tin, khát vọng của dân tộc. Xứng đáng là những chiến sĩ xung kích, các văn nghệ sĩ không quản hy sinh, gian khổ để phản ánh, khẳng định sức sống muôn màu của đời sống.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 tràn đến, họ là những “chiến binh” xông vào nơi nguy hiểm để tuyên truyền, động viên, mang thêm nụ cười, tiếp thêm niềm tin cho đồng bào, đồng chí. Từ trước đến nay, đội ngũ ấy một lòng theo Đảng, tận tâm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bên cạnh nhiệm vụ “xây” là nhiệm vụ “chống”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đoàn kết một lòng chống lại những thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng văn hóa với âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

3. Từ sự đúc kết của tiền nhân “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, có thể khẳng định rằng, trí thức văn nghệ sĩ chính là tinh hoa, là “nguyên khí” làm nên những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Vì vậy, quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ là một giải pháp căn cơ để xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy, đãi ngộ đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ xứng tầm với vị trí, vai trò của họ trong xã hội. Trong đó, vấn đề cần làm hiện nay là cần có chính sách thu hút phát hiện, bồi dưỡng nhân tài nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống. Đang có sự thiếu hụt, trống vắng lớp nghệ sĩ kế cận, trong khi đó, Bác Hồ từng nhắc nhở: “Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”(1).

Cùng với đó, cần tạo cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế lâu dài, sống thật, sống sâu vào đời sống. Hiện thực là cái gốc của nghệ thuật. Văn chương, nghệ thuật nhạt vì lý do thiếu chất muối mặn mòi của cuộc đời. Phải hiểu, nắm bắt bản chất hiện thực, lấy đó làm điểm tựa, người nghệ sĩ mới có thể sáng tạo những mô hình nghệ thuật mới. Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Văn hóa phải gắn liền với lao động, sản xuất”(2). Hiện nay, tổ chức nhiều trại sáng tác, lớp tập huấn “dăm bữa nửa tháng” chỉ là sự gặp gỡ, trao đổi, tiếp thu thêm một ít lý thuyết, kinh nghiệm, nhưng tính thực tiễn ít ỏi, hiệu quả chưa cao.

Điều cần làm là cần đổi mới cơ chế đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật. Hiện nay, cơ chế đầu tư ở nhiều đơn vị nghệ thuật thiên về “duy tình” theo kiểu “thương cho khắp”, ai cũng có thể được hưởng “lộc” ngân sách. Có thể vẫn giữ cơ chế ấy nhưng đồng thời tập trung đầu tư trọng điểm vào những tài năng hứa hẹn có sáng tạo lớn-mà tài năng thì bao giờ cũng là số ít và hiếm. Tất nhiên cần có sự thẩm định kỹ càng đầu ra-tức là sản phẩm sáng tạo của trí thức văn nghệ sĩ.

Đối với đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, phải có tư tưởng lành mạnh, lập trường đúng đắn, lý tưởng cao cả, gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, gắn bó với vận mệnh dân tộc mới có thể làm tròn thiên chức, sứ mệnh của mình. Nhiều nghệ sĩ trẻ thắc mắc làm sao để có tư tưởng. “Sống đã rồi hãy viết”. Sống hết mình, làm việc hết mình, thương yêu hết mình. Đó là một cách tích lũy vốn sống-nền tảng của sáng tạo. Tư tưởng chỉ bật ra từ vốn sống, vốn tri thức. Từ trước đến nay, các bậc đại thụ văn chương đều thế cả. Cụ Đỗ Phủ nói: “Độc thư phá vạn quyển/ Hạ bút như hữu thần” (Đọc sách hết vạn quyển/ Cầm bút như có thần). “Thần” đó là tư tưởng.

Khoa học cũng như nghệ thuật, hướng đi rất quan trọng. Ở nhiều nước, chữ “chuyên nghiệp” được hiểu theo nghĩa chuyên về một vấn đề (chuyên viết truyện ngắn, chuyên gia về L.Tolstoy...). Với những văn nghệ sĩ trẻ, cần một sự chọn lựa hướng đi phù hợp, theo kinh nghiệm của các tác giả thành công đi trước, căn cứ vào yếu tố bản thân (sở trường, sở học) và nhu cầu, thị hiếu xã hội. Hơn nữa, trí thức văn nghệ sĩ phải luôn giữ gìn tấm gương mình trong sáng. Là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, đó là vinh dự ấy cũng là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, phải gương mẫu trong việc chống lại những biểu hiện sai trái, có phát ngôn chuẩn mực, tránh bị lợi dụng, lôi kéo bởi các phần tử xấu.

Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ cần quán triệt và thấm nhuần lời huấn thị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1948-2023): “Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường... Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

-----------------------

(1) Nhiều tác giả - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. NXB Văn học, 1995, tr.83

(2) Hồ Chủ tịch với một vài vấn đề văn hóa, văn nghệ. NXB Sự thật, 1965, tr.107, 108

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.