Lịch sử chứng minh, bất cứ quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển nhanh, bền vững thì nhất thiết phải xây dựng, phát huy tốt vai trò ĐNTT-nguồn nhân lực chất lượng cao, kết tinh hồn cốt, nhân cách và trí tuệ của quốc gia. Ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã ý thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh của trí thức, luôn coi trọng trí thức, “người hiền tài”, “nguyên khí quốc gia” và đặt họ ở vị trí hàng đầu “nhất sĩ, nhì nông”, “sĩ, nông, công, thương”. 

Kế tục truyền thống của một dân tộc luôn coi trọng nhân tài, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng ĐNTT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, khẳng định: Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, ĐNTT là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đại, ĐNTT trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Kể từ đó đến nay, ĐNTT ở nước ta tăng lên rất nhanh về chất lượng, số lượng và cơ cấu thành phần, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN, hội nhập quốc tế. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Với chủ trương, biện pháp đúng đắn, hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đã quy tụ, tập hợp và phát huy mạnh mẽ ĐNTT nước nhà, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển ĐNTT, nhất là đội ngũ cán bộ KHCN mũi nhọn và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những mô hình phát triển “kinh tế tri thức”, “kinh tế tuần hoàn”, “nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo”, “Chính phủ số”... đã khẳng định rõ vai trò to lớn của ĐNTT.

Những đóng góp đáng trân trọng của ĐNTT thể hiện rõ nhất trong phát triển các bộ môn, chuyên ngành và các lĩnh vực chuyên sâu, mũi nhọn; qua đó góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sự phát triển của ĐNTT góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250USD trong những năm đầu đổi mới, đến năm 2022, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD.

Đặc biệt, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng, đem lại những tín hiệu đáng mừng. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong tốp 50 và đứng thứ hai trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta đã phát huy vai trò của ĐNTT trong việc nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; nhất là trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ cơ sở lý luận-thực tiễn về đổi mới đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua đó nâng cao trình độ KHCN, giáo dục và đào tạo của nước nhà, từng bước tiếp cận và đặt ngang tầm với trình độ KHCN của khu vực và trên thế giới, tạo động lực mới thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, cùng với những thành quả to lớn đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chỉ rõ: “Việc phát huy vai trò của ĐNTT còn bất cập, hạn chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn. Cơ cấu, số lượng, chất lượng ĐNTT chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng ĐNTT chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương”.

Trung ương chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên thuộc về cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết, do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐNTT chưa đầy đủ, sâu sắc. Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả; chậm khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách đối với ĐNTT. Một bộ phận trí thức chưa nhận thức đầy đủ vai trò đối với phát triển đất nước, còn thụ động, trông chờ, ngại bày tỏ chính kiến; năng lực, phẩm chất, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của ĐNTT trong giai đoạn mới, Trung ương xác định ĐNTT là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung ương chỉ rõ: Xây dựng ĐNTT vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của ĐNTT. Trên tinh thần đó, động viên ĐNTT Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.

Trung ương xác định mục tiêu đến năm 2030: Phát triển ĐNTT về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Đi đôi với mục tiêu này là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho ĐNTT phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Cùng với đó, tập trung phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Đây là cơ sở phấn đấu để đến năm 2045, ĐNTT Việt Nam thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, nhiều tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

Thiếu tướng, PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân NGUYỄN BÁ DƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.