Mấy chục năm tồn tại và hoạt động, đã có lúc loa phường trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, là kênh tiếp nhận thông tin của nhân dân. Những năm gần đây, loa phường vẫn được sử dụng, nhưng chỉ nhằm mục đích thông báo lịch họp dân cư, thông báo các hoạt động của chi bộ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hay việc hiếu, hỷ... Với nhiều tiện ích mang lại từ công nghệ, những phần việc trên dần được “số hóa”, nên thành ra loa phường không có thì thiếu mà có thì thừa. 

leftcenterrightdel

Nhắc đến loa phường là nhắc đến một phần ký ức của nhiều người từng gắn bó, được ăn, ngủ, thức cùng tiếng loa phát thanh. Ảnh: qdnd.vn 

Nhắc đến loa phường là nhắc đến một phần ký ức của nhiều người từng gắn bó, được ăn, ngủ, thức cùng tiếng loa phát thanh. Tiếng loa phát thanh như người bạn đồng hành với nhiều thế hệ đi qua những tháng ngày thiếu thốn. Đều đặn trước 5 giờ sáng mỗi ngày, từ loa phát thanh lại vang lên khúc nhạc hiệu “Chiến thắng Điện Biên” và sau đó là lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam...”. Bản nhạc hiệu hào hùng, reo vang ấy báo hiệu để người nông dân, công nhân chuẩn bị bước vào một ngày làm việc mới. Bản nhạc hiệu ấy cũng là chiếc đồng hồ báo thức, gọi học trò thức giấc ôn bài buổi sáng trước khi đến trường... 

Với nhiều người, ký ức về tiếng loa phát thanh còn là những ca khúc cách mạng hào hùng, là những bài tuyên truyền về lịch sử vẻ vang của dân tộc trong mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, như: Ngày thành lập Đảng, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... Và cứ thế, loa phường nhen nhóm, khơi lên tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người, rất đỗi tự nhiên. Có bác cựu chiến binh tâm sự rằng, được nghe các ca khúc cách mạng trên loa phường thật ý nghĩa, vừa để thông tin đến toàn dân về ngày lễ kỷ niệm và những người của thế hệ xưa cũ như bác được sống lại tuổi thanh xuân trong những ngày tháng lịch sử ấy... 

Những ngày này, cả nước đang sống lại không khí hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” 70 năm về trước. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền trên các ấn phẩm, phương tiện; ngành tuyên giáo cũng tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, như vẽ tranh cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu... Nhưng loa phường đã không còn phát đi phát lại các ca khúc cách mạng, những bài tuyên truyền về sự kiện lịch sử để cung cấp kiến thức đến mọi đối tượng, mọi lứa tuổi ở khu dân cư, tổ dân phố như thuở nào. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, công nghệ thông tin và truyền thông số, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, thiết bị điện tử hoặc mạng xã hội... Bởi vậy nên loa phường “thất nghiệp”... Cũng vì thế, từ nông thôn đến thị thành, dù những chiếc loa phát thanh vẫn ở đó, trên những cột điện bằng bê tông, nhưng tiếng loa dần thưa thớt... 

ĐÔNG HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.