Khơi gợi ý chí thoát nghèo

Trên tuyến đường về xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, nhà dân đa số kiên cố, có hàng rào cây xanh, bên đường trồng nhiều loại hoa khoe sắc đẹp mắt. Khung cảnh yên bình, no ấm ấy là thành quả từ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương; cũng là sự cố gắng, nỗ lực của người dân tương trợ nhau cùng phát triển, vươn lên. Không giấu được niềm vui, đồng chí Nguyễn Văn Hận, Phó bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Khánh Lộc cho biết: “Năm 2021, xã Khánh Lộc còn 15 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo. Thế nhưng đến nay, xã đã trở thành điểm sáng về mô hình “xóa trắng hộ nghèo” của tỉnh Cà Mau”.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, bà Nguyễn Ngọc Diệp ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã thoát nghèo. 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hận, trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chắc hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, việc khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo là một trong những giải pháp trọng tâm mà địa phương thực hiện thời gian qua. “Dù chính sách hỗ trợ hộ nghèo hết sức ưu việt nhưng không thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ. Nếu bản thân hộ nghèo không biết lấy đó làm động lực, thiếu sự nỗ lực phấn đấu thì thoát nghèo khó bền vững, dễ dẫn đến tái nghèo”, đồng chí Nguyễn Văn Hận nói.

Tương tự, tại xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, công tác giảm nghèo bền vững luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Ðầu năm 2023, tổng số hộ nghèo của xã là 72 hộ, đến cuối năm giảm được 45 hộ. Theo đó, UBND xã đã rà soát nhằm đánh giá đúng thực trạng từng hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo, như: Có đất sản xuất nhưng không có vốn, có lao động nhưng không có nghề nghiệp, hay thiếu tư liệu sản xuất.. từ đó, giúp Ban chỉ đạo giảm nghèo có hướng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đúng nhu cầu, tạo điều kiện giúp hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Cà Mau được phân bổ hơn 365,1 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Từ nguồn vốn được phân bổ hằng năm, để thực hiện dự án, các địa phương đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án phát triển sản xuất cơ bản phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và phù hợp nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Đến nay, đã triển khai gần 200 mô hình sinh kế, chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, như: Nuôi bò, rắn, gà, cá chình, cá bống tượng; trồng rau màu; nuôi lợn, vịt, lươn... Ðặc biệt, giai đoạn 2021-2024, tỉnh Cà Mau đã phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, góp phần quan trọng trong kết quả giảm nghèo ở địa phương, nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ hơn 9.000 hộ (trung bình mỗi năm khoảng 2.300 hộ). Kết quả, hằng năm có hơn 75% số hộ được nhận trợ giúp thoát nghèo bền vững.

Là một trong những hộ dân được hỗ trợ vốn vay để sản xuất và đã thoát nghèo, bà Nguyễn Ngọc Diệp ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bộc bạch: “Tôi thoát nghèo rồi, giờ có tiền chăm lo cho con học hành cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương. Mấy chú đã giúp tôi vay vốn để làm rẫy, chăn nuôi. Mấy chị phụ nữ thì dạy cho nghề đan lát, nhờ đó có nghề làm lúc rảnh rỗi, kiếm thêm thu nhập”.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trước đây, số hộ tái nghèo của tỉnh khá cao, tính riêng giai đoạn 2016-2020 có khoảng 230 hộ. Tuy nhiên, bằng những quyết sách hỗ trợ kịp thời, sự chung tay của cả cộng đồng với những giải pháp sát thực tế đã đem đến cho tỉnh kết quả khả quan. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu. Ðáng phấn khởi hơn hết là số hộ tái nghèo rất ít.

Đề cập giải pháp hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tỉnh đang duy trì thực hiện 95 mô hình, dự án sinh kế với 1.336 hộ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thực hiện dự án. Sở chú trọng khuyến khích và duy trì, nhân rộng một số mô hình có giá trị kinh tế cao như nuôi lợn, bò, chồn hương, sò huyết và một số mô hình hiệu quả khác nhằm tạo sinh kế, gia tăng thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở Cà Mau trong thời gian tới.

Bài và ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.